Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Công nghiệp nhiên liệu sinh học góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn

08:40, 17/09/2010
Sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến là khâu đầu có tính chất quyết định cho các dự án nhiên liệu sinh học (NLSH) và cho cả chương trình NLSH của một quốc gia. Ở nước ta, do sản lượng dồi dào nên sắn (khoai mì) đang trở thành một trong những nguyên liệu chính góp phần cung ứng cho công nghiệp nhiên liệu sinh học.
 
Tiềm năng sản lượng và tiêu thụ

 

Sắn  là loại cây nông nghiệp phổ thông, cũng là một trong những nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nông dân nghèo ở nước ta do dễ trồng, ít kén đất, ít vốn, phù hợp sinh thái và điều kiện kinh tế của nông dân ở vùng sâu, vùng xa.

 

Sắn được trồng tại hơn 100 nước có khí hậu của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tinh và là nguồn thực phẩm của hơn 500 triệu người dân trên thế giới. Nước có sản lượng sắn nhiều nhất là Ni-giê-ri-a 45,72 triệu tấn, tiếp đến là Thái-lan và In-đô-nê-xi-a..., Việt Nam đứng thứ mười về sản lượng sắn trên thế giới.

 

Ở nước ta, sắn được trồng ở hầu hết các tỉnh của tám vùng sinh thái nông nghiệp, nhiều nhất ở vùng Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tây Nguyên được coi là vùng trồng sắn lớn thứ hai của cả nước với diện tích là 150 nghìn ha, năng suất bình quân 15,7 tấn/ha, sản lượng 2,35 triệu tấn, thấp hơn so với vùng Ðông Nam Bộ 23,74 tấn/ha và 2,69 triệu tấn.

 

Sắn có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực, thực phẩm. Củ sắn dùng để ăn, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn. Các sản phẩm chế biến từ tinh bột sắn như: bột ngọt (mì chính), lysine, axit citric, xiro glucose, mạch nha, hồ vải, hồ giấy, phụ gia thực phẩm, phụ gia dược phẩm, sản xuất màng phủ sinh học, và đồng thời là nguyên liệu chính sản xuất ethanol (cồn sinh học). Sắn lát khô của Việt Nam chủ yếu dành cho xuất khẩu, chế biến bột ngọt, thức ăn gia súc... Hiện lượng sắn xuất khẩu chiếm hơn 50% tổng lượng sắn lát khô cả nước. 

 

Từ năm 2009, sắn trở thành mặt hàng có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng cao với sản lượng đạt gần 10 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 700 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 300 triệu USD. Trong đó hơn 50% sản lượng sắn được xuất sang Trung Quốc, với giá xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Chưa tính đến việc hàng trăm xe tải chở sắn khô phải chờ đợi tại cửa khẩu dễ bị hư hỏng do thời tiết thay đổi đột ngột, hoặc phải gửi vào các kho cảng. Ngoài ra, chính sách nhập khẩu của bạn cũng thường xuyên thay đổi khiến chủ hàng Việt Nam dễ bị phá sản do giá cả lên xuống thất thường

 

Nhu cầu sắn cho nhiên liệu sinh học

 

Với chủ trương ưu tiên phát triển ngành công nghiệp NLSH theo đề án "Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn 2025" đã được chính phủ phê duyệt. Theo đề án này đến năm 2012, khi các nhà máy sản xuất ethanol của Tập đoàn Dầu khí  quốc gia Việt Nam (PVN) và của các thành phần kinh tế khác đi vào sản xuất sẽ tiêu thụ một khối lượng sắn rất lớn.  Phó Tổng Giám Ðốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PV OIL) Lý Hồng Ðức cho biết: Theo kế hoạch năm 2012, sản xuất ethanol sẽ tiêu thụ 16% sản lượng sắn; năm 2015 là 35%; năm 2020 là 41% và năm 2025 sẽ tiêu thụ 48% sản lượng sắn của cả nước. Các tính toán này dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở nước ta tăng 8,5%/năm với tỷ lệ pha ethanol (E5) là 5% trong giai đoạn 2012 đến năm 2014 và 10% (E10) từ năm 2015.

 

Như vậy, sự hình thành và phát triển của ngành NLSH cũng đang làm thay đổi kết cấu thị trường sắn Việt Nam theo hướng có lợi cho nông nghiệp và nông thôn ở các khía cạnh sau:

 

Sắn khi được quy hoạch trở thành vùng nguyên liệu của các nhà máy ethanol thuộc PVN sẽ được bao tiêu toàn bộ từ khi trồng đến thu hoạch bao gồm: hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kỹ thuật canh tác, tư vấn và thông tin giá cả thị trường nhằm tạo điều kiện tăng thu nhập cho hộ  nông dân và tăng sản lượng sắn hàng hóa.

 

Sắn đưa vào sản xuất thành ethanol rồi đưa ra tiêu thụ trên thị trường cả nước sẽ trở thành đầu vào cũng là khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị thị trường NLSH, cùng tồn tại song song với thị trường xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước.

 

Khi sắn trở thành một khâu trong chuỗi giá trị thị trường NLSH sẽ tạo ra kênh chính sách để Nhà nước tác động đến khâu sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều tiết thị trường xăng dầu. Chẳng hạn như cách Chính phủ Thái-lan và Phi-li-pin tác động vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều hành công thức giá NLSH để ổn định giá nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp (giá mía và sắn). Ðây sẽ là công cụ quan trọng và tiện lợi để Nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 

Phát triển NLSH sẽ mở hướng đi mới nâng cao đời sống nông dân, làng, thôn, xã qua việc hình thành các cụm chế biến công nghiệp, vừa tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, vừa tạo ra ngành chế biến mới, sản phẩm mới. Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của các nhà máy NLSH sẽ tạo động lực liên kết gắn bó giữa nhà máy và nông dân vì lợi ích của hai bên.

 

Về phía Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã có kế hoạch cụ thể về phát triển vùng nguyên liệu trên cơ sở bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo triển khai mô hình liên kết giữa nhà máy NLSH và nông dân cùng sự ủng hộ của chính quyền và các nhà khoa học nông nghiệp.

 

Hiện nay, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp NLSH, Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ nghiên cứu, sản xuất NLSH. Ðồng thời, chính sách miễn giảm thuế thu nhập và những chính sách ưu tiên như hỗ trợ một phần chi phí các dự án bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất... dành cho doanh nghiệp tham gia thực hiện chủ trương phát triển NLSH của Chính phủ.

 

Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư sản xuất phát triển NLSH (cụ thể là xăng sinh học, dầu sinh học), duy trì hoạt động lâu dài dưới sự bảo đảm của một hành lang pháp lý rõ ràng thì rất cần các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn... về mặt quản lý hàng hóa (bảo quản, tồn trữ, vận chuyển áp dụng cho kho, cửa hàng xăng dầu, xe bồn...), pha mầu (chống gian lận thương mại) hay những  quy định về khói thải (xe máy, ô-tô), về tỷ lệ sử dụng xăng sinh học tiến tới thay thế dần xăng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường... 
 
(Theo Nhân dân)