Tân Kỳ: Triển vọng mô hình sản xuất phân bón vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp
Huyện Tân Kỳ có hơn 20.000ha diện tích đất canh tác, trong đó, có khoảng 6.600ha lúa, 7000ha ngô, 4.500ha mía, 1000ha lạc, 1000ha sắn và 650ha đậu Tương… Với lượng phế thải nông nghiệp từ 40.000 đến 50.000 tấn/ năm là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Nhằm tận dụng được nguồn phụ phẩm này phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tháng 8/2009, Sở khoa học công nghệ đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình sản xuất phân bón vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp tại xã Tân An. Mô hình có 50 hộ thuộc 3 xóm Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu tham gia.
Sau gần một năm triển khai, bà con nông dân đã áp dụng thành công các quy trình sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Đến nay đã sản xuất được 300 tấn phân hữu cơ vi sinh, trong đó có 150 tấn được sản xuất từ rác và phế phụ phẩm nông nghiệp như các loại cây ngô, cây đậu, lá mía… và 150 tấn được sản xuất từ bã bùn mía.
Qua sử dụng cho thấy cây trồng được bón loại phân này phát triển tốt, màu lá xanh đậm, tỷ lệ nhiễm bệnh ít, năng suất cao. Đây là mô hình góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ hiệu quả đó, thời gian tới, Tân Kỳ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn.
(Hồng Thịnh)