Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Số hóa truyền hình - xu thế chung trong lĩnh vực viễn thông và truyền dẫn phát sóng

07:57, 16/08/2011
Xã hội hóa công đoạn truyền dẫn, phát sóng trong lộ trình số hóa truyền hình là xu thế chung đã được các nước tiên tiến trên thế giới thực hiện, nhằm huy động nguồn vốn trong xã hội.

 

Bắt đầu từ 0h ngày 25/7, Nhật Bản đã chấm dứt phát sóng truyền hình analog trên toàn quốc, ngoại trừ 3 tỉnh bị thiệt hại nặng nề do động đất -sóng thần hồi tháng 3 là Iwate, Miyagi và Fukushima, để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số. Với các nước tiên tiến trên thế giới, phổ tần trong truyền dẫn phát sóng có giá trị kinh tế cao. Là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, Nhật Bản đã đi đầu trong việc số hóa toàn bộ hệ thống phát thanh truyền hình và trở thành nước đầu tiên ở châu Á hoàn tất việc số hóa.

 

Đây có thể được coi là một sự kiện của Nhật Bản, sau gần 8 năm chuẩn bị chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình kỹ thuật số, bắt đầu từ tháng 12/2003.

 

 

 Trung tâm giám sát và điều độ vận hành mạng lưới từ xa của Công ty AVG - đơn vị tư nhân đầu tiên được cấp phép xây dựng mạng truyền dẫn phát sóng

 

Không chỉ riêng ở Nhật, hàng chục quốc gia trên thế giới đã có kế hoạch chu đáo cho một trong những cuộc thay đổi lớn nhất của lịch sử nhân loại: Từ bỏ hoàn toàn truyền hình analog để chuyển sang truyền dẫn và phát sóng kỹ thuật số.

 

Ngày 1/9/2006 có thể được coi là ngày đánh dấu kỷ nguyên truyền hình số trên thế giới khi Luxembourg là quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn tất quá trình chuyển đổi thành công từ truyền hình analog sang truyền hình truyền dẫn và phát sóng kỹ thuật số. Sau Luxembourg, hàng loạt các nước như Hà Lan, Phần Lan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Đức… đã chuyển sang truyền hình truyền dẫn và phát sóng kỹ thuật số. Cách đây hơn 2 năm, Mỹ đã tuyên bố chuyển đổi thành công truyền hình công nghệ analog sang công nghệ số hoàn toàn. Việc truyền dẫn, phát sóng tại các nước này thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật MPEG4-DVBT của châu Âu, là công nghệ hiện đại nhất thế giới.

 

Tại Mỹ, với quan điểm phổ tần trong truyền dẫn phát sóng có giá trị kinh tế cao nên được Chính phủ cho phép phát triển dưới góc độ thương mại. Giấy phép truyền dẫn phát sóng không chỉ được cấp cho các cơ quan thuộc Chính phủ như National Broadcasting Company (được thành lập năm 1926); Columbia Broadcasting System (được thành lập năm 1927) mà còn được cấp cho cả các tổ chức tư nhân như The Lone Ranger hay Amos ‘n’ Andy.

 

Tại Anh, nếu như trước đây chỉ có British Broadcasting Company (BBC) thành lập năm 1926 là đài quốc gia của Chính phủ thực hiện cả việc truyền dẫn phát sóng, thì hiện nay, một số tổ chức tư nhân cũng được cấp giấy phép truyền dẫn phát sóng như Independent Television (ITV), British Sky Broadcasting (BskyB), UKTV.

 

Nhập cuộc với truyền hình số

 

 

Theo các chuyên gia, việc số hóa truyền hình sẽ nâng cao chất lượng và dịch vụ các chương trình truyền hình mà ưu điểm dễ thấy nhất là chất lượng hình ảnh của công nghệ số tốt hơn công nghệ analog rất nhiều. Bên cạnh đó, quá trình số hóa cũng sẽ giúp giải phóng một phần tài nguyên tần số của phát thanh truyền hình để phục vụ phát triển dịch vụ truy nhập thông tin vô tuyến băng rộng, đáp ứng nhu cầu truy nhập đa dạng của người dân.

 

 

  

 Tại Việt Nam hiện nay, thị trường truyền dẫn có khoảng 8 nhà cung cấp dịch vụ như VCTV, HTVC (cáp); VSTV, VTC (vệ tinh), AVG... Dự án thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số và cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG đã được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2005.

Đến nay, với việc đầu tư công nghệ theo tiêu chuẩn kỹ thuật MPEG4-DVBT của Châu Âu (là công nghệ hiện đại nhất thế giới), AVG đã hoàn thành việc ấn định tần số cho mạng truyền hình kỹ thuật số mặt đất trên toàn quốc. AVG dự kiến đến năm 2012 bằng DTH và 85% vùng lãnh thổ bằng DTT sẽ được phủ sóng truyền hình.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số, tăng số luợng kênh chương trình truyền hình cũng là một trong những lợi ích không thể nhắc đến của việc số hóa truyền hình. Với công nghệ tương tự với mỗi kênh tần số chỉ có thể phát được một kênh chương trình truyền hình nhưng với công nghệ số với một kênh tần số có thể phát được nhiều kênh chương trình truyền hình chuẩn (SDTV).

 

Số hóa truyền hình cũng giúp cho việc khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình được tối ưu hóa. Thay vì mỗi đài truyền hình đầu tư xây dựng một hạ tầng riêng biệt, phục vụ chỉ riêng nhu cầu của từng đài, công nghệ truyền hình số cho phép các đài truyền hình sử dụng chung cơ sở hạ tầng truyền dẫn và phát sóng.

 

Ở góc độ kinh tế, công nghệ số sẽ giải phóng nguồn tài nguyên tần số cho truyền hình, cho phép các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình, điều đó sẽ làm giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

 

Tại Việt Nam, để thực hiện nghị quyết của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), ngày 16/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, sẽ ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình tương tự (analog) để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số.

 

Việc nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số được coi là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh cuộc cách mạng số trong phát thanh, truyền hình cả nước nhằm đạt mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 

Kinh nghiệm truyền dẫn, phát sóng trong lộ trình số hóa truyền hình tại các nước phát triển trên thế giới đã minh chứng rằng: việc tham gia của các đơn vị tư nhân vào hoạt động truyền dẫn phát sóng tại Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Việc huy động các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng truyền hình, tập trung nguồn vốn cho việc phát triển nội dung chương trình. Vì vậy, có thể thấy, việc đẩy nhanh lộ trình số hóa ở nước ta từ nay cho đến năm 2020 là đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

 

(Nguồn: Báo ĐCSVN)