Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nam Đàn: Hội thảo mô hình quản lý tổng hợp nhện gié hại lúa

14:39, 15/09/2011
Sáng nay (15/9), Trường Đại học Nông nghiệp Hà nội, Trung tâm bảo vệ thực vật Khu 4 phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An và Công ty cổ phần thuốc BVTV An Giang tổ chức hội thảo mô hình quản lý tổng hợp IPM nhện gié hại lúa tại HTX Nam Thanh 1, huyện Nam Đàn.

 

Mô hình được thực hiện trên diện tích 5ha với 48 hộ nông dân ở HTX Nam Thanh 1 tham gia. Được tập huấn về yêu cầu của mô hình và quy trình IPM nhện gié trên lúa, tìm hiểu đặc điểm phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây lúa và biện pháp phòng trừ của từng đối tượng tương ứng với từng giai đoạn của cây lúa. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm BVTV Vùng Khu 4 và các hộ nông dân đã tập trung thực hiện các biệp pháp kỹ thuật đảm bảo yêu cầu từ khâu làm đất, xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser, bón phân, điều tiết nước và phòng trừ nhện theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Kết quả sau một vụ mùa thực hiện, giống lúa Khang dân 18, mức độ gây hại của  nhện gié thấp hơn rất nhiều so với những ruộng đối chứng không áp dụng quy trình quản lý nhện gié tổng hợp. Đối với giống Khang dân 18 trong mô hình thực hiện, mật độ nhện gié  ở thời kỳ đẻ nhánh là 0,8con/dảnh, bắt đầu trỗ bông là 10,9con/dảnh sau đó mật độ giảm. Ngược lại, ở ruộng đối chứng mật độ nhện gié ở các thời kỳ cao hơn từ 2 đến 5 lần và tăng từ khi lúa trổ bông. Ruộng trong mô hình chỉ thực hiện phun thuốc trừ nhện gié 1 lần trong khi đó ruộng đối chứng phun 3 lần. So sánh hiệu qủa khi áp dụng mô hình cho thấy: việc áp dụng mô hình làm năng suất tăng từ 10 đến 20%, lãi trên đơn vị diện tích cao hơn từ 4 đến 7 triệu đồng/ha, giảm thuốc bảo vệ thực vật.

 

Đây là mô hình dễ ứng dụng có hiệu quả cao. Các cấp chính quyền nhất là các ngành phục vụ Nông nghiệp cần khuyến cáo các hộ nông dân mở rộng ứng dụng quy trình vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và bảo vệ môi trường.

 

(Hồng Sương)