Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An sau 5 năm thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

09:32, 15/12/2011
Trong những năm qua, Nghệ An có tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp tương đối nhanh. Tính đến cuối năm 2008, cả tỉnh có gần 3000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Với tốc độ phát triển nhanh của sản xuất công nghiệp, ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi trong quá trình phát triển. Có rất nhiều cách để bảo vệ và hạn chế ô nhiễm và sản

 

Nghệ An là một trong 5 tỉnh mục tiêu tham gia chương trình sản xuất sạch hơn. Đây là chương trình thuộc hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (viết tắt là CPI) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 2005. Mục đích của chương trình là giúp doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với doanh nghiệp và công đồng. Thông qua Sở Công thương là cơ quan đầu mối để giới thiệu, tuyên truyển, phổ biến kiến thức và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai áp dụng SXSH. Để triển khai áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, trong 5 năm qua, Sở Công thương Nghệ An đã phối hợp với nhiều chuyên gia tư vấn của Bộ Công Thương, Trường Đại học Bách khoa Hà nội, Sở TNMT triển khai nhiều cuộc tập huấn, hội thảo để giới thiệu, phổ biến kiến thức về SXSH trong công nghiệp đến các doanh nghiệp và các nhà quản lý. Cũng từ đây, hàng trăm DN đã tham gia, từ chỗ chưa hiểu về khái niệm SXSH trong công nghiệp đến nay hầu hết các DN trên địa bàn, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, kỹ thuật đã hiểu rõ lợi ích và phương pháp áp dụng SXSH để mang lại hiệu quả.  

Theo đánh giá của Hợp phần sản xuất sạch hơn thì việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã mang laị những hiệu quả rất thiết thực cho doanh nghiệp.

Trong 5 năm triển khai chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại Nghệ An, có 09 doanh nghiệp tham gia dự án trình diễn thuộc các ngành nghề chế biến mây tre đan, sản xuất bột giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành thép, sản xuất đường kính và chế biến muối iốt, có hàng trăm doanh nghiệp áp dụng các giải pháp quản lý nội vi về sản xuất sạch hơn.

 

Áp dụng giải pháp SXSH, mỗi năm Công ty CP Giấy Sông Lam tiết kiệm được 672,4 triệu đồng

 

 

Công ty CP giấy Sông Lam đóng trên địa bàn xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An mỗi năm sản xuất từ 10-15.000 tấn giấy. Sản xuất giấy lâu nay vẫn được xem là một ngành nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải. Thực tế tại Công ty CP giấy sông Lam, môi trường bị ô nhiễm từ 3 nguyên nhân chính là bụi trong khu vực sản xuất phát sinh từ việc bảo quản nguyên liệu và than ngoài trời, khí thải từ lò hơi đốt than, nước thải bao gồm: Nước thải xuất hiện từ quá trình nghiền OCC và từ quá trình xeo giấy. Một phần nước trắng đã được tuần hoàn trở lại bể pha loãng. Nước thải qua một hệ thống các bể lắng nhằm tận thu một phần xơ sợi. Dịch đen đặc được xả ra ngay sau khi quá trình nấu hoàn tất. Dòng nước thải còn lại xuất hiện trong quá trình rửa bột sau nấu chứa lượng kiềm dư và lignin. Chính vì thế, Công ty Cổ phần Giấy Sông Lam đã đầu tư hơn 720 triệu đồng để triển khai 21 giải pháp SXSH nhằm giải quyết triệt để việc lãng phí nguyên vật liệu, tái sử dụng nước và tận thu nguyên liệu có trong nước thải. Công ty tiếp tục đầu tư trên 5,6 tỷ đồng (cùng với 2,1 tỷ đồng hỗ trợ từ CPI) vào hệ thống tuyển nổi và từ khi hệ thống đi vào hoạt động: tại công đoạn xeo - nghiền, đã giảm được một bơm cấp nước công suất 22KV và tái sử dụng toàn bộ nước thải đồng thu hồi được lượng bột có trong nước thải.

Tại Công ty TNHH Đức Phong, doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, theo thống kê trong quá trình chế biến tỷ lệ hư hại do mối, mọt là 10%, tương đương 300 tấn tre/năm, với trị giá thiệt hại lên đến 900 triệu đồng/năm. Đặc biệt vào các mùa mưa, bão, thời tiết ẩm thấp nếu nguyên liệu dự trữ để những nơi không có hệ thống mái che, đậy… thì mức thiệt hại còn cao hơn nữa. Bên cạnh đó khi hàng bị mốc sẽ xuất hiện bụi  gây ảnh hưởng đến sức khoẻ công nhân. Giải pháp sản xuất sạch hơn là đầu tư hệ thống xử lý phòng chống mối, mọt với tổng kinh phí thực hiện 825 triệu đồng.

 

Trước đây Công ty không có các máy móc thiết bị cần thiết như máy chẻ có kích cỡ định hình nên lượng ruột tre bị vứt bỏ không sử dụng được tới 90%. Lượng thải này hiện rất lớn và không tận dụng được mà phải thải bỏ một phần nhỏ dùng làm chất đốt bổ sung cho nhiên liệu đốt nồi hơi còn phần lớn bỏ không hoặc cho người dân làm chất đốt nên rất lãng phí. Mặt khác, do công ty chưa có phòng phun sơn cách ly nên trong quá trình sơn dung môi, sơn bay khắp nơi gây mùi sặc sụa và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của người công nhân. Bên cạnh đó do quá trình sơn dùng nhiều dung môi độc hại như tôluen, azitilen,... nên nếu không có hệ thống hút, xử lý sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đặc biệt là công nhân sản xuất trực tiếp. Chính vì vậy, tham gia dự án trình diễn sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, công ty lựa chọn 3 giải pháp lớn là xử lý nước sau khi ngâm tẩm nguyên vật liệu, hệ thống thải khí lưu huỳnh, cải tạo môi trường chống nóng và sắp xếp lại quy trình sản xuất trở thành dây chuyền.

 

Sản xuất vật liệu xây dựng cũng là một ngành gây ô nhiễm môi trường do khói bụi thải ra. Chính vì vậy, môi trường làm việc của người lao động cũng bị ô nhiễm nặng. Đây là một thực tế ở hầu hết các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Nhà máy tấm lợp Việt Nhật thuộc công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng Nghệ An là một đơn vị được chọn mô hình trình diễn dự án sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực này.

 

Áp dụng SXSH từ tháng 8 năm 2009 các giải pháp SXSH chính của công ty được sự hỗ trợ của CPI bao gồm: Đầu tư hệ thống tự động tháo bao amiăng trong buồng kín, cân và nạp liệu amiăng bằng băng tải; Thay đổi công nghệ sang sử dụng xi măng rời, cân và nạp liệu xi măng tự động; Đầu tư máy tạo sóng chân không để cơ giới hoá việc tạo sóng và luân chuyển khuôn.

Công ty CP Muối và Thương mại Nghệ An chuyên cung cấp các sản phẩm đa dạng như muối tinh, muối iốt… Trước khi tiến hành SXSH, vấn đề Công ty thường xuyên gặp phải là ô nhiễm môi trường do nước thải. Nước thải hiện nay của Công ty không đáp ứng tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, một số chỉ tiêu vượt quá quy chuẩn cho phép: SS vượt 1.9 lần so với QCVN 24:2009; BOD5 vượt 1.08 lần, COD vượt 1.48 lần, độ màu vượt 1.82 lần và Coliform vượt 1.14 lần. Để giải quyết vấn đề này, năm 2011, Công ty đã tiếp cận Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của Bộ Công Thương.

Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương Nghệ An, năm 2011, Công ty đã thực hiện  đánh giá quá trình sản xuất, xác định các dòng chất thải, đội SXSH tiến hành cân bằng các dòng vật chất và năng lượng của dây chuyền sản xuất, xác định các giải pháp cải tiến, Công ty đã thực hiện 12 giải pháp quản lý nội vi không tốn chi phí và chi phí thấp với tổng chi phí là 92.8 triệu đồng. Việc thực hiện này đem lại cho công ty 53.7 triệu đồng mỗi năm. Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Hợp phần SXSH trong công nghiệp, Công ty cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp đầu tư lớn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết triệt để các vấn đề môi trường nổi cộm, cụ thể là đầu tư 4 tỷ đồng cho việc đầu tư cải tạo thiết bị và nâng cấp công nghệ hiện có; cải tạo và nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý chất thải.        

Hiệu quả rõ rệt từ một số doanh nghiệp được thực hiện dự án hỗ trợ cũng chính là những nhân tố điển hình để các DN khác học tập và áp dụng. Nhận thức của Doanh nghiệp, của những người làm công tác quản lý môi trường về sản xuất sạch hơn đã có những chuyển biến rõ rệt: đó là SXSH không chỉ nhằm mục đích bảo về môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Để chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được tiếp tục triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 26 ngày 27/10/2009 về việc áp dụng SXSH tại các DN và ban hành “Kế hoạch hành động áp dụng SXSH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 – 2013” theo Quyết định số 5552 ngày 27/10/2007 với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2013, có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh được phổ biến và áp dụng sản xuất sạch hơn, đồng thời được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện. Đối với các doanh nghiệp được áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu, năng lượng và nước) 10%, giảm 20% tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm,  giảm chất thải 10% trong một số công nghiệp nói chung và cụ thể trong một số ngành như chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, thực phẩm...; 100% doanh nghiệp và các cấp quản lý được tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất sạch hơn.

Điều này thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo áp dụng SXSH vào sản xuất, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường. Và về phía doanh nghiệp, từ nay việc triển khai áp dụng SXSH trong sản xuất vừa là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp vì một môi trường xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.

(Hương Giang)