Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhìn lại hoạt động KH&CN Nghệ An năm 2011

10:01, 05/01/2012
Năm 2011 đã trôi qua với các hoạt động khoa học công nghệ nổi bật, đem lại nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ thông tin… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Trong những năm qua, cùng sự phát triển chung của cả nước, Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học- công nghệ có hiệu quả trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu khoa học- công nghệ quan trọng. Lai tạo được các giống cây, con năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, xây dựng các mô hình sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, đầu tư đổi mới các dây chuyền công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm… Đặc biệt, trong năm 2011, là năm đầu tiên triển khai kế hoạch KH&CN giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch phát triển KH&CN đến năm 2020, tuy có ảnh hưởng của thời tiết phức tạp, lạm phát tăng cao, nhưng cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, đã có nhiều sự kiện và kết quả hoạt động khoa học công nghệ nổi bật, là động lực quan trọng thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà trong  năm qua.

 

Sự kiện đáng ghi nhận đầu tiên phải kể đến Lễ trao giải Sáng tạo khoa học công nghệ Nghệ An 2010 diễn ra vào đầu năm 2011. Sáng tạo khoa học - công nghệ Nghệ An là giải thưởng dành cho những công trình nghiên cứu, những cải tiến kỹ thuật, những công nghệ mới, những sáng kiến kinh nghiệm... có hiệu quả ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Giải thưởng Sáng tạo KH-CN Nghệ An năm 2010 đã được trao cho 19 công trình gồm 1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba, 3 giải Tư và 6 giải Khuyến khích thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn, y tế,  giáo dục. Một số công trình tiêu biểu như, Công trình: Những người thân trong gia đình Bác Hồ, tác giả: Trần Minh Siêu - thành phố Vinh; Công trình: Đập mềm ngăn sông Cấm để chống hạn và tạo nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Vinh, tác giả: Bạch Hưng Tuyên - Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi Nam Nghệ An; Công trình: Ứng dụng và lai tạo thành công hạt giống ngô lai F1 của giống ngô LVN14 tại Nghệ An, tác giả: Trương Văn Hiền - Tổng công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An…

 

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu trong năm 2011 là sự thành công của các dự án sản xuất giống và thâm canh đại trà lạc L23, sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Vược; nuôi thương phẩm cá Hồi Vân, tại Kỳ Sơn.

 

Nghệ An là một trong 3 tỉnh có diện tích trồng lạc lớn nhất cả nước. Thời gian qua, Nghệ An đã có chủ trương, chính sách khuyến khích các đơn vị trong và ngoài tỉnh áp dụng các tiến bộ KT nhân giống mới nhằm tạo ra giống lạc có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện sinh thái trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Hướng tới mục đích đó, Công ty Đầu tư và phát triển KHCN Miền Trung đã phối hợp với Sở KH&CN Nghệ An triển khai xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, bảo quản giống lạc L23 chất lượng cao phục vụ cho các vùng sản xuất lạc tại Nghệ An. Với quy trình khép kín từ các khâu khâu sản xuất, cung cấp giống, kỹ thuật, vật tư phân bón cho tới thu hoạch, bao tiêu sản phẩm, Công ty đã   xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp, tạo địa chỉ tin cậy trong sản xuất, cung ứng giống lạc có chất lượng cao cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Tạo thu nhập cho người nông dân cao gấp 2 lần so với canh tác cây truyền thống khác như ngô, hoặc các loại rau màu.

 

Bên cạnh trồng trọt, trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, mô hình sinh sản nhân tạo giống cá vược tại Nghệ An do kỹ sư Lưu Anh Lực, Trung tâm giống thủy sản Nghệ An, triển khai thực hiện thành công là bước tiến nhảy vọt trong nghiên cứu, sản xuất giống cá biển tại Nghệ An, tạo tiền đề cho các trại sản xuất cá giống có thêm đối tượng sản xuất, chuyển đổi một số diện tích nuôi trồng thuỷ sản kém hiệu quả, diện tích hoang hoá sang nuôi cá vược thương phẩm. Cùng với thành tựu sản xuất cá giống, thành công của mô hình nuôi cá vược thương phẩm trong vùng nước lợ tại huyện Nghi Lộc là bước đột phá nhằm đa dạng hoá loài nuôi và hình thức nuôi, góp phần ổn định đời sống sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con vùng mặn lợ, với mức lợi nhuận 40 triệu đồng/2500m2 ao trong 6 tháng nuôi.

 

Cũng thông qua dự án KHCN cấp tỉnh, Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy hải sản Bắc Trung Bộ đã thử nghiệm thành công dự án nuôi thương phẩm cá hồi vân tại Na Ngoi, Kỳ Sơn. Dự án đã xây dựng được qui trình công nghệ nuôi thương phẩm cá hồi vân, một giống cá nước lạnh có giá trị dinh dưỡng và thương phẩm cao, có khả năng mở rộng tại miền Tây Nghệ An.

 

Trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản, hoạt động KHCN tiêu biểu nhất chính là sự thành công của dự án Ứng dụng công nghệ thiết kế tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An tiến hành. Trên thực tế, những tàu đánh bắt thuỷ sản ở Nghệ An đều thuộc loại tàu nhỏ, đóng theo kinh nghiệm và mẫu dân gian truyền thống chứ không có thiết kế kỹ thuật. Bài toán thiết kế đường hình tàu phù hợp với các yêu cầu thực tế đa dạng của tàu nghề cá nhằm định hình mẫu tàu chuẩn cho địa phương là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Phần mềm thiết kế tàu cá vỏ gỗ được chuyển giao thành công từ Khoa tàu thủy, Đại học Thủy sản Nha Trang đã giải quyết được bài toán trên. Phần mềm có công nghệ 2D, 3D cho phép chọn lọc tối ưu các thông số hình học của tàu, thiết kế tự động đường hình đến các thông số hàng hải như vận tốc, tải trọng, tính ổn định, chân vịt,… Được ứng dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở đóng tàu trong tỉnh, phần mềm này đã mang lại nhiều lợi ích.

 

Trên lĩnh vực y tế, thông qua dự án KHCN cấp tỉnh, Sở Y tế Nghệ An đã nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng thành công phần mềm quản lý đấu thầu và cung ứng thuốc chữa bệnh. Hệ thống phần mềm này có đầy đủ chức năng đáp ứng yêu cầu về cập nhật, sửa đổi, hiệu chỉnh, xử lý dữ liệu đấu thầu, từ đó đưa ra kết quả trúng thầu. Hệ thống dễ sử dụng, giao diện tiếng Việt, linh hoạt, có tính mở, không đòi hỏi cao về phần cứng, có thể triển khai rộng rãi đấu thầu cung ứng thuốc ở tuyến cơ sở, tuyến tỉnh, tuyến trung ương, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian trong đấu thầu thuốc.

 

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong một vài năm qua đã có nhiều sự kiện, hoạt động sôi nổi, trong đó phải kể đến công trình Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Lịch sử Nghệ An từ thời nguyên thủy đến năm 2005, do Trung tâm KHXH và NV Nghệ An chủ trì, Khoa Lịch sử, trường Đại học Vinh thực hiện. Đây là một dự án KHCN có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tập hợp đông đảo các nhà khoa học ở các viện, trường Trung ương và các nhà nghiên cứu, bảo tàng trong tỉnh tham gia, có sự đóng góp, tham gia cố vấn của nhiều giáo sư có uy tín của cả nước như giáo sư Đinh Xuân Lâm, giáo sư Phan Huy Lê,…

 

Qua gần 2 năm triển khai, đến nay, đã có bản thảo lần thứ nhất tập II, Lịch sử Nghệ An từ 1945 đến 2005; bản thảo tập I- Lịch sử Nghệ An từ đương đại đến 1945  đang trong quá trình hoàn thiên. Dự kiến hai tập sách sẽ hoàn thành và nghiệm thu vào giữa năm 2012.

 

Trên lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, có thể nói, việc lần đầu tiên xây dựng và phê duyệt được kế hoạch hoạt động KHCN 5 năm cho các huyện, thành thị là Tp Vinh, TX Cửa Lò, huyện Đô Lương và huyện Yên Thành là một thành công đáng kể. Thông qua kế hoạch này, các huyện có thể đánh giá, phân tích một cách tổng quan hiện trạng hoạt động KH&CN giai đoạn 2001-2010, từ đó đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, đảm bảo phát triển KH&CN đúng hướng, phù hợp với từng giai đoạn, từng vùng miền cụ thể, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển và tăng trưởng kinh tế của địa phương mình. Cụ thể như ở Thị xã Cửa Lò, với quan điểm đẩy mạnh hoạt động KH và CN trên địa bàn thị xã là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu nhằm phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển du lịch, TX đã đưa ra kế hoạch hoạt động KH & CN khá sát với thực tế.

 

Hoạt động khoa học công nghệ tiêu biểu cuối cùng trong năm là việc thực hiện thành công một số dự án nâng cao tiềm lực KHCN cho các đơn vị KHCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2006, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án 71 – xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm KHCN vùng Bắc Trung Bộ. Trong năm 2011, có 12 dự án thành phần thuộc đề án 71 đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ phát triển KHCN và KT-XH của Nghệ An và các tỉnh trong vùng, đó là Nâng cấp và phát triển Viện KHKT Nông nghiệp BTB, Trung tâm BVTV vùng khu IV, Cơ quan thú y vùng III, Trung tâm kiểm định xe cơ giới Nghĩa Đàn, Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An, Viện quy hoạch kiến trúc và xây dựng Nghệ An, Trung tâm khí tượng thủy văn BTB, Trung tâm KHXH&NV Nghệ An, Cơ sở thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau an toàn và hoa chất lượng cao thuộc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An,... Các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao KHCN kể trên được nâng cấp đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu, chuyển giao các tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất và đời sống trong tỉnh và các địa phương khác trong vùng.

 

Có thể thấy, các sự kiện và hoạt động khoa học công nghệ tiêu biểu trong năm qua trải rộng tại nhiều địa phương, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đa dạng, đạt hiệu quả thực tiễn cao. Các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học này chính là giải pháp quan trọng góp phần đưa Nghệ An vượt qua và khắc phục những hậu quả của khủng hoảng kinh tế, chống chọi với nhiều lần thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sâu bệnh… trong suốt năm 2011.       

 

Với những thành công trong năm 2011 và định hướng phát triển khoa học công nghệ đúng đắn, hợp lý; với những tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, hy vọng rằng, khoa học và công nghệ tỉnh nhà trong năm 2012 và các năm tiếp theo sẽ không ngừng phát triến, bắt kịp trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nước và quốc tế, để từ đó đẩy mạnh năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

(Anh Đào)