Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng mô hình rau an toàn và hoa chất lượng cao

10:32, 17/01/2012
Thực hiện mục tiêu Quốc gia:"Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững" nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng cao, ở tỉnh Nghệ An, nhiều mô hình, dự án KHCN đã được triển khai thành công, tạo bước đầu hình thành các vùng sản xuất sản phẩm có uy tín như: gạo sạch, chè sạch, rau an toàn, hoa chất lượng cao... làm tăng hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu

 

Tại ki ốt kinh doanh rau an toàn tại chợ Bến Thuỷ - Thành phố Vinh những ngày đầu của năm 2012, chỉ ngay sau giờ mở cửa buổi sáng, một số khách hàng đã tìm đến mua sản phẩm. Tuy nhiên, việc mua sắm thực phẩm an toàn dường như chỉ thường xuyên diễn ra với những khách hàng thông thái. Điều này xuất phát từ khá nhiều lý do. Trong đó, lý do đầu tiên mà người đi chợ thường quan tâm là giá cả. Người tiêu dùng thường tìm đến những địa chỉ bán hàng với mức giá dễ chịu nhất. Rau an toàn, với những đòi hỏi nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, đương nhiên, có giá cao hơn so với các loại rau bán đại trà ở chợ. Một lý do nữa là, người mua chỉ mới nghe, còn người bán thì chưa đủ minh chứng để họ tin: sản phẩm rau nào là an toàn, rau nào là không. Vì vậy, nhiều người nội trợ đã lựa chọn tiêu chí giá cả làm đầu.

 

Chúng tôi có mặt tại trang trại trồng rau an toàn ở xã Nghi Trường, đầu mối cung cấp rau cho ki ốt nói trên để kiểm chứng về độ an toàn theo đúng tiêu chuẩn sản xuất Vietgap. Vietgap là tên viết tắt tiếng Anh, có nghĩa là: "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam". Quy trình Vietgap được ban hành kèm theo Quyết định 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Quy trình này ứng dụng để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu mối nguy ô nhiễm sản phẩm trong suốt quá trình trồng trọt - thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho rau, quả Việt Nam tham gia thị trường khu vực và thế giới. Thực tế cho thấy, các loại rau ở đây được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, các chỉ tiêu như: hàm lượng Nitrat, vi sinh vật gây hại, hàm lượng kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều dưới ngưỡng cho phép của tổ chức y tế thế giới và Việt Nam.

 

Một mô hình trồng rau sạch ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương

 

Trong nhiều năm qua, hướng tới mục tiêu: "Sản xuất nông nghiệp bền vững", vì sức khoẻ của cộng đồng, xã hội, Nhà nước và trực tiếp là Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều chủ trương, biện pháp phối hợp với các ngành chức năng để xây dựng nhiều dự án sản xuất rau an toàn trên phạm vi cả nước. Tại Nghệ An, một số địa chỉ rau an toàn cũng đã được hình thành ở Quỳnh Lương – Quỳnh Lưu, Hưng Đông – TP Vinh, Hưng Lợi - Hưng Nguyên, Nam Xuân - Nam Đàn, Nghi Trường, Nghi Kim – Nghi Lộc và Thạch Giám – Tương Dương. Các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN sản xuất rau an toàn này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn từ khâu chọn vùng sản xuất, cung cấp nguồn nước tưới đến quá trình sả xuất và tiêu thụ. Các cơ quan chuyển giao công nghệ như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT&CN thuộc Sở KH&CN Nghệ An, khoa Nông Lâm Ngư – Trường Đại học Vinh đã vào cuộc một cách bài bản để chỉ đạo và giám sát hoạt động sản xuất của các vùng rau thuộc dự án. Chính vì vậy, có thể khẳng định, các địa phương, cơ sở sản xuất rau an toàn nói trên đáp ứng một cách đầy đủ và khoa học về tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, để người sản xuất đạt thêm yếu tố “an toàn” trong kinh doanh, tiêu thụ thì một vấn đề mà các dự án cần quan tâm nhiều hơn nữa, đó chính là việc giải bài toán thị trường. Điều này, trước hết là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để họ thực sự trở thành những khách hàng thông thái, biết lựa chọn thực phẩm rau sạch. Ngoài ra, cần một cơ chế mở cho các cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất rau an toàn.

 

Một yếu tố làm nên thành công của các dự án sản xuất rau an toàn chính là việc nắm bắt nhu cầu sản xuất và tiêu thụ rau của thị trường. Tương Dương là huyện miền núi khó khăn của tỉnh, người dân chủ yếu lao động, sản xuất bằng việc phát nương, làm rẫy. Chính vì vậy, mặc dù là địa phương có dân số khá đông, nhu cầu tiêu thụ rau lớn (6.460 tấn/ năm), nhưng trong nhiều năm, việc sản xuất rau ở Tương Dương chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu dùng, giá cả rau vì thế cũng cao đến gấp 2 lần so với các vùng miền xuôi. Đây chính là cơ sở để triển khai thành công dự án “ứng dụng tiến bộ KHCN, sản xuất rau an toàn tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương”.

 

Trên cánh đồng rau sản xuất tập trung rộng 2 hécta tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, có 25 hộ dân thuộc bản Phòng xã Thạch Giám tham gia dự án. Tuy mới qua một vụ thu hoạch rau, nhưng những hộ nghèo ở đây đã chuyển đổi nhận thức trong sản xuất, trồng trọt.

 

 Việc hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại Tương Dương không chỉ mở ra một hướng đi mới cho một địa bàn đặc biệt khó khăn mà còn tạo tiền đề cho hướng phát triển gắn với điều kiện lợi thế của mỗi địa phương nhằm phát triển hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường.

Sau 1 năm triển khai dự án sản xuất rau an toàn, thương hiệu “rau Thạch Giám” đã được người tiêu dùng ở Tương Dương biết đến. Cơ quan chủ trì dự án là Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Tương Dương cùng với chính quyền cấp xã, huyện đã vào cuộc một cách đồng bộ, kịp thời. Đó là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, tiêu dùng, là những nỗ lực “cầm tay chỉ việc” để đồng bào miền núi nắm bắt khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Giờ đây, ngành nông nghiệp của huyện và các hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn ở xã Thạch Giám đã và đang tích cực mở rộng diện tích sản xuất rau.

 

Như vậy, có thể thấy, việc gắn sản xuất nông nghiệp với nhu cầu của thị trường là một trong những yếu tố quyết định thành công của các dự án khoa học.

 

Trong thời gian qua, Sở KH&CN Nghệ An đã tích cực hỗ trợ triển khai đồng loạt các dự án phát triển nông nghiệp đem lại giá trị đích thực cho toàn xã hội. Bên cạnh các dự án sản xuất rau an toàn, có thể kể đến là các dự án trồng hoa chất lượng cao. Những năm gần đây, một số làng nghề trồng hoa và cây cảnh tại Nghệ An đã được quan tâm, đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã công nhận 5 làng có nghề trồng hoa tại địa bàn thành phố Vinh, thuộc các xã Hưng Đông, Nghi Liên và Nghi Ân. Những mô hình này đã và đang được tiếp tục đẩy mạnh tại địa bàn huyện Nghĩa Đàn - nơi có đầy đủ điều kiện về tự nhiên và kinh tế xã hội để phát triển nghề trồng hoa chất lượng cao.

 

Mô hình trồng hoa chất lượng cao của gia đình anh Phan Thanh Hà chỉ rộng chưa đầy 1000m2, nhưng trong vòng 3 năm kể từ khi vợ chồng anh tham gia dự án “ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình trồng hoa hàng hoá trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn”, đời sống của gia đình đã thực sự thay đổi. Mỗi vụ thu hoạch hoa vào dịp giáp Tết, anh đã thu được lợi nhuận từ 50 – 70 triệu đồng. Đây là một giấc mơ có thật của những người nông dân nghèo xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn.

 

15 hộ nông dân tham gia dự án trồng hoa chất lượng cao tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật từ đơn vị thực hiện dự án là Khoa Nông Lâm Ngư – Trường ĐHVinh. Quá trình triển khai dự án, các hộ nông dân tham gia đã được đào tạo, tiếp nhận quy trình kỹ thuật, học tập kinh nghiệm sản xuất hoa hàng hoá, hội thảo đầu bờ thông qua các nhà chuyên môn là các kỹ sư nông nghiệp. Sở khoa học công nghệ Nghệ An và UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã vào cuộc, chỉ đạo một cách sát sao và bám nắm thực tiễn một cách bài bản, khoa học để đến hôm nay, sau 3 năm triển khai, dự án trồng hoa chất lượng cao tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn đã gặt hái được nhiều thành công.

 

Nghĩa Đàn là địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với nghề trồng hoa, chính vì vậy, dự án “ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình trồng hoa hàng hoá” cần tiếp tục được nhân rộng, góp phần giúp đỡ nông dân nhanh chóng xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện miền núi này.

 

Định hướng xây dựng nông thôn mới với những mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả như dự án trồng rau an toan va hoa chất lượng cao tren dia ban Nghe An chứng minh cho phương châm liên kết bền vững của 3 nhà: nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Đây chính là cơ sở để hình thành cac vùng làng nghề trồng rau va hoa theo yêu cầu phát triển và hội nhập của ngành nông nghiệp Nghệ An.

 

(Ngọc Dũng)