Công nghệ

Dự kiến ngày mai, vệ tinh do Việt Nam chế tạo sẽ được phóng lên quỹ đạo

15:51, 08/11/2021
NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển Vệ tinh nhỏ “Made in Vietnam”.

Theo thông báo chính thức của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), lịch phóng mới của vệ tinh NanoDragon “Made in Vietnam” do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo sẽ được phóng lên quỹ đạo vào khoảng 7h48 đến 7h59 phút sáng mai (9/11), theo giờ Việt Nam. NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển Vệ tinh nhỏ “Made in Vietnam”. 

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh NanoDragon.
Hình ảnh mô phỏng vệ tinh NanoDragon.

Theo dự kiến, vệ tinh NanoDragon được phóng từ bãi phóng Uchinoura, Nhật Bản. NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển. Toàn bộ quá trình từ nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, đến thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam.

TS Lê Xuân Huy- Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: "Trong vệ tinh thì có khoảng 21 cụm linh kiện điện tử rất phức tạp, chúng tôi tự phát triển được 4-5 cụm linh kiện, chúng tôi hoàn toàn tự thiết kế… còn một số linh kiện khác thì chúng tôi phối hợp với một số đối tác của Nhật Bản để phát triển. Vệ tinh cũng được gửi sang Nhật để thử nghiệm các tính năng cũng như môi trường hoạt động của nó).

Sau khi phóng lên, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng cho biết, vệ tinh được phát triển với các mục đích: Làm chủ công nghệ phát triển hệ thống vệ tinh nhỏ của Viện Nam; Thử nghiệm hệ thống, công nghệ chùm vệ tinh siêu nhỏ có thể thu tín hiệu, nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển; hoàn thiện hiệu chỉnh, chất lượng hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện