Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường
Dự trữ hàng ở CTCP Hữu nghị - 1 trong 7 DN được hỗ trợ lãi suất vay để dự trữ các mặt hàng thiết yếu của tỉnh Nghệ An |
Theo thống kê của Sở công thương Nghệ An, tháng 12 năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,64% so với tháng trước, tăng 11,9% so với tháng 12 năm 2009. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng lương thực 4,8%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD 3,31%; giao thông 2,18%; may mặc 1,49%; thực phẩm 1,37%, còn lại các nhóm hàng khác tăng nhẹ...
Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất lưu thông, hạn chế nguồn cung; do tâm lý trước biến động của giá vàng và lo ngại lạm phát cao; tác động thị trường kinh tế thế giới; quy luật mua sắm tiêu dùng phục vụ tết cổ truyền Tân Mão vào những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gây những ảnh hưởng không nhỏ đến cung cầu, giá cả và nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn Nghệ An. Điều này được thể hiện qua tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 21,77% so với năm 2009 và tăng 2,62% so với kế hoạch.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường và kiềm chế tăng giá, từ cuối tháng 11, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định dự trữ một số loại hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Tân Mão 2011. UBND tỉnh đã giao cho 7 doanh nghiệp mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như: gạo tẻ, gạo nếp, dầu ăn, bánh kẹo các loại, rượu, bia, đường kính... Các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ dự trữ hàng, bình ổn giá trong thời gian vay vốn dự trữ được hỗ trợ lãi suất 3 tháng. Theo đó, các doanh nghiệp tự vay vốn ngân hàng để mua, dự trữ các mặt hàng được giao, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay. Theo quyết định của tỉnh, lượng hàng hoá dự trữ của 7 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trong dịp Tết được hỗ trợ với số tiền hơn 70 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Hữu nghị là một trong 7 doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay để dự trữ các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, bánh kẹo, bia rượu... Hiện nay, công ty đã mua đủ số lượng hàng hoá và dự trữ tại các điểm kho để phân phối đi các huyện trong tỉnh. Số tiền được tỉnh hỗ trợ lãi suất hơn là gần 10 tỷ. Bởi vậy, công ty có điều kiện để cung cấp đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết. Những chuyến hàng Việt Nam phục vụ Tết, về tận mọi miền nông thôn đã bắt đầu đến tận tay người tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc trung tâm thương mại – Công ty CP Hữu Nghị cho biết.
Một trong những mặt hàng được quan tâm đảm bảo bình ổn giá là các sản phẩm lương thực. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ công ty CP lương thực Thanh Nghệ Tĩnh vay gần 25 tỷ để dự trữ 2000 tấn gạo tẻ và 300 tấn nếp. Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Công ty CP lương thực Thanh Nghệ Tĩnh đã dự trữ lượng hàng hóa lên tới 40 tỷ. Vì thế, khả năng khan hiếm gạo, nếp hay biến động về giá cả lương thực trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Tân Mão khó xảy ra - Ông Nguyễn Trọng Bính - CT hội đồng quản trị Công ty CP lương thực Thanh Nghệ Tĩnh khẳng định.
Đối với mặt hàng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đồng ý chủ trương giao cho cho Tổng Công ty phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo) bán cho Tổng công ty Cp vật tư nông nghiệp Nghệ An 10.000 tấn phân đạm để kịp cung ứng cho ba con nông dân sản xuất vụ Đông Xuân 2010-2011 theo kế hoạch mùa vụ của tỉnh. Như vậy, có thể thấy, trong việc bảo đảm bình ổn giá cả, cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Tân Mão, UBND tỉnh đã chú trọng chỉ đạo các đơn vị, ban ngành đoàn thể đáp ứng tốt nhất cho thị trường nông thôn và nhu cầu của nông dân, những đối tượng dễ bị tác động bởi biến động động thương mại.
Cùng với việc bình ổn giá các mặt hàng lương thực, UBND tỉnh cũng đã giao cho công ty cổ phần đầu tư hợp tác kinh tế Việt - Lào dự trữ một khối lượng lớn dầu ăn, bia rượu các loại và đường kính phục vụ Tết. Ngoài dự trữ hàng hoá tại các kho, công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào cũng đã tổ chức 2 quầy hàng bình ổn giá phục vụ Tết Tân Mão. Tại các quầy hàng này, người dân có thể mua sỉ và mua lẻ các mặt hàng thực phẩm, đồ uống phục vụ Tết với giá cả ổn định.
Theo chỉ đạo của sở công thương, tất cả các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá bắt đầu từ ngày 1-1-2011. Các doanh nghiệp đồng loạt đưa hàng bán rộng rãi ra thị trường với giá bán theo cam kết thấp hơn giá thị trường từ 10 đến 15%. Tập trung vào các thị trường nóng, các trung tâm thương mại, siêu thị, thị trấn, thị tứ ở các huyện miền núi đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Việc tham gia bán hàng bình ổn giá của 7 đơn vị được hỗ trợ vay vốn đã có tác động tích cực tới thị trường Tết Tân Mão nói chung bởi xu hướng cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng không cho phép các đơn vị kinh doanh khác có cơ hội đầu cơ, trục lợi trong dịp Tết.
Để giám sát các hoạt động thương mại trên địa bàn toàn tỉnh trong dịp Tết Tân Mão, UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh giá trong việc kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá và bán hàng đối với 13 nhóm hàng hoá dịch vụ nằm trong danh mục bình ổn giá của Nhà nước; kiểm tra, xử lý các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý để trục lợi. Theo đó, các đoàn kiểm tra liên ngành đã phối với UBND các huyện, thành thị để thực hiện nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn, ở địa bàn Đô Lương, một trung tâm buôn bán khá sầm uất trên tuyến đường 7, UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành chức năng cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp tỉnh để thực hiện bình ổn giá, cân đối cung cầu hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Tân Mãi. Bằng hoạt động giám sát có hệ thống này, các hành vi đầu cơ, trục lợi làm biến động thị trường đã được đẩy lùi.
Chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết nguyên đán. Nhu cầu trao đổi mua bán các mặt hàng, đặc biệt là hàng tiêu dùng sẽ nhièu hơn. Theo đó, chắc chắn lượng hàng cung cấp ra thị trường cũng sẽ đa dạng và phong phú hơn. Chính vì vậy ngoài thực hiện tốt chỉ đạo của chính phủ về bình ổn giá như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí để giám giá thành, tăng lượng hàng tung ra thị trường, tăng cường lưu thông hàng hoá… thì các địa phương cần tiếp tục điều hành giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu; kiên quyết chống việc liên kết độc quyền nâng giá và chống đầu cơ trái pháp luật. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả việc tăng giá tự do làm bất ổn thị trường. Nên chăng Nghệ An cũng cần thành lập một đường dây nóng, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời xử lý những thông tin về bất ổn giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên ,cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì để bảo đảm quyền lợi của mình, mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm đối với việc bình ổn giá.
(Ngọc Dũng)