Hương trầm Quỳ Châu vào Tết
Rời chiếu cuốn hương để tiếp chúng tôi, ông Võ Minh Châu - khối trưởng khối 2 thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu nói giọng phấn chấn: “Thoạt nhìn, công đoạn cuốn hương tưởng chừng đơn giản, thế nhưng để có được một cây hương hoàn chỉnh là cả một quá trình chuẩn bị ròng rã suốt một năm trời”.
Nghề làm hương cũng rất công phu, muốn có được cây hương cháy đượm, thơm nồng, ngay từ tháng 2, người làm hương đã phải vào rừng tìm chặt những cây lùng non mới bắt đầu ra lá đem về ngâm, vớt, rửa, phơi trong suốt thời gian nắng nóng của mùa hè, thời gian còn lại thì tranh thủ chẻ dần, tẩm thuốc, tẩm màu. Đến khoảng tháng 9, tháng 10 lại lo thu mua nguyên liệu, chế biến bột và cuốn hương. Ba tháng cuối năm chính là thời gian bận rộn nhất của làng nghề. Hầu như vào thời gian này, tất cả các gia đình đều tập trung nhân lực để cuốn hương phục vụ Tết. Công đoạn thông thường của nghề làm hương là thế, nhưng để tranh thủ thời gian lúc nhàn rỗi, các gia đình thường dữ trữ một nguồn nguyên liệu làm trong suốt quanh năm, nhất là công đoạn chẻ chu (que hương) có thể làm được vào bất cứ lúc nào.
Ở tuổi 70, con cái đều đã thành đạt, thế nhưng vợ chồng bác Châu vẫn không từ bỏ nghề làm hương. Ông kể: đây là nghề gia truyền của gia đình, ngay từ thời bố ông - cụ Võ Lê Hải làm lý trưởng ở vùng này đã biết cho người vào rừng tìm rễ hương và dùng những nguyên liệu sẵn có như quế và mía ở Quỳ Châu để làm nên “đặc sản” hương trầm. Hương trầm của gia đình ông đã được chọn mang vào tận kinh thành tiến vua Khải Định. Cho mãi về sau, cả vùng này vẫn chỉ có gia đình ông làm hương nên mỗi dịp Tết đến là người mua hương kéo nhau đến xếp cả hàng dài chờ trước cửa nhà.
Cơ chế thị trường gõ cửa làm cho hương trầm Quỳ Châu được dịp toả đi muôn nơi. Khởi đầu chỉ là tiêu thụ trong huyện, trong vùng, trong tỉnh, đến nay hương Quỳ Châu có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là tiêu thụ mạnh ở Thanh Hoá, Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế, Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh. Hương trầm Quỳ Châu hôm nay không chỉ được bán ra vào dịp Tết mà vào những thời điểm khác trong năm vẫn có khách đặt hàng; không chỉ sản xuất một vài cỡ truyền thống mà hiện nay có đủ các kích cỡ theo ý thích của người dùng. Từ một vài hộ làm hương, đến nay chỉ riêng thị trấn Quỳ Châu đã có 138 hộ sản xuất hương với sản lượng trên 300 triệu cây hương/ năm, thu nhập trên 12 tỷ đồng. Xuất hiện nhiều hộ làm hương có quy mô lớn như hộ ông Nguyễn Ngọc Minh, mỗi năm sản xuất hơn 8 triệu que hương; hộ gia đình anh Đậu Công Hà mỗi năm sản xuất hơn 10 triệu que hương. Những tháng cuối năm, các gia đình này thuê thêm từ 10- 20 lao động, bình quân mỗi lao động có thu nhập trên 2,5 triệu đồng/ tháng.
Hương trầm Quỳ Châu đã trở thành một thương hiệu có tiếng trong thị trường, nhưng nghề sản xuất hương trầm vẫn còn chủ yếu mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm mà chưa có sự định hướng, quản lý. Thương hiệu hương trầm đang bị làm giả, làm nhái ở một vài địa phương khác, thậm chí là đang bị lợi dụng ở ngay trên chính mảnh đất hương trầm mà chưa được bảo vệ. Gắn bó suốt cuộc đời với nghề làm hương trầm, ông Võ Minh Châu không dấu nổi vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu hương trầm Quỳ Châu. Theo ông, hương trầm Quỳ Châu ngày nay phong phú hơn, mỗi gia đình làm hương đều tìm cho mình một bí quyết để cây hương cháy đượm, cháy đẹp và có mùi thơm quyến rũ mang đặc trưng của mỗi gia đình, nhưng do không chủ động được nguyên liệu nên một số gia đình vẫn phải chấp nhận mua rễ hương chưa đủ tuổi và các nguyên liệu không đảm bảo chất lượng. Điều đáng quan ngại nhất chính là đang có một số gia đình sinh sống ngay trong địa bàn huyện Quỳ Châu cũng ăn theo thương hiệu để sản xuất hương vì lợi nhuận mà không màng đến uy tín chất lượng; bên cạnh đó hương trầm Quỳ Châu cũng đang bị làm nhái ở một số địa phương khác nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn.
Ông Hoàng Phương Đông - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: Để hỗ trợ phát triển nghề sản xuất hương trầm, năm 2009, Hội Nông dân thị trấn Tân Lạc đã xây dựng mô hình trồng cây rễ hương dưới tán rừng, năm 2010 tổ chức tập huấn cho các hộ làm hương về kỹ thuật cuốn hương, pha chế nguyên liệu, đồng thời triển khai dự án giải quyết việc làm cho 25 hộ gia đình vay tổng số tiền 500 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ và khích lệ của Hội, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm nhà kho và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Nhiều công đoạn như đập bột, pha chế đã được cơ giới hoá giảm được đáng kể ngày công lao động. Điển hình là Hộ anh Phan Công Hà, chị Nguyễn Thị Loan với thương hiệu Hương trầm Hà Loan những năm gần đây đã trở thành hộ có quy mô sản xuất và tiêu thụ hương trầm lớn nhất ở Quỳ Châu. Tuy nhiên, theo ông Đông thì nghề sản xuất hương trầm ở Quỳ Châu vẫn còn bị động trong khâu nguyên liệu. Với quy mô sản xuất như hiện nay, Quỳ Châu mới chỉ chủ động được nguyên liệu làm chu, bột quế và một phần nhỏ rễ hương; còn các loại giấy, hoa hồi, thảo quả... đều phải mua từ các địa phương khác, ngay cả như rễ hương cũng phải nhập từ các huyện Tân Kỳ, Quỳnh Lưu (Nghệ An) về. Vì thế, năm nay giá cả các mặt hàng này tăng cao đã khiến nhiều hộ làm hương phải giảm quy mô sản xuất. Còn đối với những vi phạm thương hiệu, thì chưa có cách giải quyết vì nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu vẫn còn mang tính tự phát, chưa thành lập được các tổ hợp hoặc hợp tác xã để có định hướng cơ cấu sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi của người làm hương và bảo vệ cho thương hiệu hương trầm.
Tuy vẫn còn những trăn trở, nhưng những người làm hương trầm truyền thống ở Quỳ Châu vẫn luôn vững niềm tin bởi phần lớn các khách hàng lớn đều trực tiếp đến tận nơi để tìm hiểu, đặt hàng. Những bạn hàng truyền thống càng ngày càng nhiều và đặt mua với số lượng lớn hơn.
(Hoàng Minh)