Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sắc xuân Đông Hồi

09:52, 20/01/2011
Nằm trong quần thể KKT Đông Nam Nghệ An và cũng là dự án nằm trong quy hoạch trung tâm kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KCN Đông Hồi đi vào hoạt động còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An giai đoạn 2020 và những năm tiếp theo. Sắc xuân tràn ngập trên Khu công nghiệp Đông Hồi đang hứa hẹn

 

Nghệ An có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, nằm trên tuyến giao lưu hàng hoá trong nước và quốc tế, là trung tâm kinh tế, văn hoá, giữ vai trò đầu mối giao thông khu vực Bắc Trung Bộ. Với các chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp của Đảng và Nhà nước, Nghệ An đang trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong đó có KCN – cảng Đông Hồi.

 

KCN Đông Hồi có quy mô khoảng 1.400ha ở xã Quỳnh Lập,

Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu, Nghệ An)

 

Khu công nghiệp - cảng Đông Hồi có quy mô khoảng 1.400ha thuộc địa bàn xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc nằm ở phía Bắc huyện Quỳnh Lưu thuộc khu đô thị mới Hoàng Mai; cách thị trấn Cầu Giát về phía Bắc chừng 20km, cách sân bay Vinh 80km, cách Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam 5km và gần cảng nước sâu Nghi Sơn, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ mà chính phủ đã phê duyệt. Huyện Quỳnh Lưu có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ dân trí khá cao, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, trong đó đáng kể là đất đai, lao động, thuỷ sản, nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng và một số khoáng sản khác… Xác định, tiềm năng lợi thế của KCN Đông Hồi, trong định hướng phát triển KT - XH Nghệ An, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, đưa KCN Đông Hồi trở thành KCN.

 

Trong qui hoạch phát triển, khu công nghiệp Đồng Hồi được đánh giá là KCN có tiềm năng rất lớn do có điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng cảng nước sâu và có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 1- 3 vạn tấn. Đây cũng là khu vực thuận lợi để phát triển công nghiệp nhiệt điện, luyện kim, xi măng và các ngành công nghiệp phụ trợ đi theo khác, do gắn với cảng biển kết hợp với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy xi măng Hoàng Mai, KCN luyện kim Hoàng Mai tạo thành cụm kinh tế công nghiệp Nam Thanh - Bắc Nghệ. Đông Hồi cũng là khu vực có quỹ đất đủ rộng để phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch cũng như các khu chức năng khác của đô thị, có điều kiện tự nhiên và cảnh quan thuận lợi để xây dựng các khu du lịch sinh thái biển, sinh thái rừng, du lịch tâm linh... Đồng thời, đây là vùng mức độ đô thị hoá chưa cao nên các chi phí về đất đai, giải phóng mặt bằng thuận lợi cho việc trưng dụng đất để xây dựng các khu chức năng mới. Đặc biệt, khu vực quy hoạch KCN - cảng Đông Hồi với đất đai chủ yếu là đất lâm nghiệp, địa hình có độ dốc thoải, địa chất tốt, tương đối thuận lợi cho việc quy hoạch sử dụng đất và xây dựng các công trình. Nhìn chung, các điều kiện kỹ thuật, hạ tầng... đều rất thuận lợi, gắn với sự phát triển của đô thị trong tương lai.

 

Đường nối quốc lộ 1A từ Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu tới huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa là trục giao thông nối liền cảng Đông Hồi với quốc lộ 1A và đường HCM

 

Mục tiêu phát triển là KCN tổng hợp đa ngành gồm: Công nghiệp nhiệt điện, đóng tàu, phà sông biển, sản xuất ngư cụ, cơ khí sửa chữa … Cùng với việc thành lập KCN này, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng Đông Hồi vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020. Là Cảng chuyên dùng chở than và vật liệu xây dựng, Cảng biển Đông Hồi nằm trên địa bàn xã Quỳnh Lập huyện Quỳnh Lưu, phục vụ Nhà máy nhiệt điện Đông Hồi 24 MW, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Nhà máy xi măng Hoàng Mai, Nhà máy xi măng Tân Thắng, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng như đá ốp lát, xi măng, đá trắng... vùng Tây Bắc Nghệ An và Nam Thanh Hoá. Thu hút đầu tư ở KCN Đông Hồi còn nhằm khai thác thế mạnh trục phát triển theo hướng Đông Tây nối kết các đô thị Đông Hồi – Hoàng Mai – Nghĩa Bình – Thái Hòa, thế mạnh không gian công nghiệp và hệ thống du lịch vùng. Nằm trong vùng qui hoạch KCN Đồng Hồi, đảng bộ và nhân dân 2 xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc xác định, đây là cơ hội góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Chính vì vậy, tất cả diện tích nằm trong diện thu hồi hay phải di dời phục vụ cho KCN đều được nhân dân ủng hộ và thực hiện nhanh chóng, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư đến với KCN.

 

Chỉ trong 1 thời gian ngắn khởi động, tại KCN Đông Hồi đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký địa điểm để đầu tư như: Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia, Tập đoàn than khoáng sản và Tổng công ty Sông Đà đã nghiên cứu hợp tác đặt nhà máy nhiệt điện 1.800MW tại khu công nghiệp với diện tích dự kiến là 283 ha; Công ty giấy cũng xin cấp 120 ha đất để xây dựng khu sản xuất gỗ giấy công suất 120.000 tấn/năm; Nhà máy luyện kim Cobeco Nhật Bản đang xúc tiến đầu tư xây dựng cảng xuất nhập quặng thép và tổng kho tại đây với diện tích dự kiến 80ha; ngoài ra còn một số nhà đầu tư ngành công nghiệp phụ trợ khác đang có nhu cầu thuê đất tại khu công nghiệp này...

 

Năm 2010, Công ty TNHH Vietnam Investments Partners đầu tư dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Đông Hồi". Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.562 tỷ đồng trên diện tích 1.436 ha đặt tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. V.I.P sẽ tiến hành triển khai thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 457 ha và giai đoạn 2 với 979 ha. Dự kiến tháng 11/2011, dự án nhà máy SX sắt xốp Cobeco sẽ khởi công. Cũng trong năm 2011, nhà máy Nhiệt điện 2.400 MW có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD của nhà đầu tư Nhật Bản cũng sẽ được triển khai. Trong quá trình thực hiện đầu tư, PVA được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An.

 

Những ngày này, sắc xuân tràn ngập trên Khu công nghiệp Đông Hồi

 

Qua nghiên cứu các yếu tố về thị trường, tốc độ phát triển công nhiệp trong nước và nhu cầu thuê mặt bằng khu công nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kết hợp với các điều kiện về vị trí địa lý, chiến lược quy hoạch các đặc khu kinh tế của Chính phủ và hiệu quả kinh tế đầu tư mang lại, có thể khẳng định rằng Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Đông Hồi là một dự án có tính khả thi cao và sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế và xã hội.

 

KCN Đông Hồi nằm trên trục đường Quốc lộ 1A - Đông Hồi gần với Cảng Đông Hồi, phục vụ Nhà máy nhiệt điện Đông Hồi, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Nhà máy xi măng Hoàng Mai, Nhà máy xi măng Tân Thắng, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng vùng Tây Bắc Nghệ An và Nam Thanh Hoá. Có thể nói, đây là những điều kiện phụ trợ và kết nối hết sức thuận lợi cho V.I.P khai thác khu vực Bắc Nghệ - Nam Thanh trong tương lai.

 

Đồng thời với việc khai thác phát triển CN nặng, qui hoạch phát triển du lịch - dịch vụ cũng sẽ được đẩy mạnh theo hướng xây dựng hệ thống du lịch vùng: gắn liền các tuyến du lịch kết nối các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng với các khu bảo tồn sinh thái, các điểm di tích lịch sử, văn hóa của vùng và quốc gia. Hình thành hai loại hình du lịch gắn liền với hai vùng du lịch lớn: Vùng du lịch biển đảo từ Hải Ninh, Tân Dân, Hải Hòa, Hòn Mê – Tĩnh Gia đến Quỳnh Lập, biển Quỳnh – Quỳnh Lưu. Phát triển các khu du lịch cao cấp kết hợp nghỉ dưỡng với dịch vụ giải trí và vùng du lịch sinh thái hồ rừng: phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng với các tuyến du lịch tham quan của vùng. Đây là tiềm năng để các địa phương nằm trong KCN phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, nghỉ dưỡng cấp quốc gia, quốc tế gắn liền với các cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử văn hóa...

 

Tháng 09 năm 2009, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 1447/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025 với tính chất là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo gắn liền với kinh tế biển như: công nghiệp lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, cảng nước sâu, dịch vụ du lịch, phát triển nông lâm ngư nghiệp, có vai trò quan trọng về an ninh, quốc pong, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và quốc gia, kết nối hiệu quả với các thị trường quốc tế lân cận... Định hướng phát triển KCN Đông Hồi trước mắt và trong tương lai sẽ là các dự án công nghiệp động lực phát triển vùng: Tổ hợp nhà máy xi măng – khu công nghiệp Tân Thắng 2 – Quỳnh Lưu: 5 triệu tấn/năm; Các dự án phát triển hạ tầng khung vùng: Cảng Đông Hồi: 10 triệu tấn hàng/năm; Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập: giai đoạn 1: 600 MW, giai đoạn 2: 1800 MW; Các nhà máy phục vụ công nghiệp, sinh hoạt tại các đô thị, các khu công nghiệp trong vùng...

 

Sẽ không quá sớm khi nói về triển vọng của KCN Đông Hồi khi mà tương lai hiện ra không chỉ bằng con số, mà bằng thực tế trên công trường, thì cũng có nghĩa là ước mơ của người dân vùng cát trắng đang trở thành hiện thực. Giữa không khí đất trời đang ngập tràn niềm tin trong 1 mùa Xuân mới, với sự quan tâm của chính phủ, các chính sách ưu đãi của tỉnh và sự năng động của các nhà đầu tư, KCN Đông Hồi sẽ mở ra tương lai phát triển mới cho khu vực Bắc Nghệ trong quá trình hội nhập. Vùng đất cát bạc màu và cỏ hoang sẽ trở thành những nhà máy, cảng biển, những khu du lịch sinh thái hài hòa, Đông Hồi sẽ trở thành 1 KCN sầm uất, vươn mình trên bầu trời cao xanh vời vợi, đón chờ nắng ấm tiếp nối những mùa xuân.  

 

(Việt Anh)