Cây chanh leo ở một xã vùng biên
Là xã thuộc các chương trình 135 và 30a của Chính phủ, đời sống của nhân dân Tri Lễ còn gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn đó, xã Tri Lễ đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tập trung mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng công trình dân sinh và hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình điển hình và gần đây nhất là mô hình trồng cây chanh leo. Đây là một trong những mô hình hứa hẹn sự đổi thay về đời sống của nhân dân cũng như diện mạo xã trong thời gian tới.
Để mô hình chanh leo thực sự mang lại hiệu quả, ngay từ đầu tháng 10 năm2010, UBND xã Tri Lễ đã cùng với Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong và nhà máy chế biến Dứa xuất khẩu Quỳnh Lưu đã tổ chức tập huấn, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch Chanh leo cho các hộ thực hiện mô hình. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, đến nay cây chanh leo đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển tốt. Cho đến thời điểm này, xã Tri Lễ đã trồng trên 2ha chanh leo với hơn 1.000 cây.Tập trung trồng nhiều nhất là các bản Yên Sơn, bản Xan và bản Tà pàn.
Thực tế từ mô hình trồng chanh leo tại các địa phương khác cho thấy, ước tính tổng chi phí cho một sào (500m2) chanh leo bao gồm cả giống, trụ dây làm dàn, phân bón tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng. Sau khi trồng 6 tháng cây bắt đầu cho thu hoạch trung bình 1 sào (500m2) chanh dây một năm có thể cho khoảng 8-10 tấn, với giá trên thị trường hiện nay khoảng 8.000 đồng/kg thì người trồng chanh leo có thể thu về nguồn lợi rất lớn. Tin tưởng rằng trong tương lai không xa, cây chanh leo sẽ trở thành cây mũi nhọn giúp người dân xã Tri Lễ xoá đói giảm nghèo góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
(Ngọc Tăng)