Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mùa khô 2011 không cắt điện?

11:48, 27/02/2011
Tại buổi họp báo về tình hình cung ứng điện mùa khô 2011 và công bố việc tăng giá điện, diễn ra hôm qua 26.2, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, khả năng tiết giảm, cắt điện trong 4 tháng còn lại mùa khô năm 2011 có thể không xảy ra.

 


 Thiếu hụt khoảng 1,7 tỉ kWh

 

Điều mà ông Vượng Khẳng định có vẻ như khó xảy ra nếu nhìn vào con số thiếu hụt lên tới 1,7 tỉ kWh từ nay đến hết tháng 6, trong khi chỉ với mức thiếu hụt gần 1,4 tỉ kWh năm 2010 điện đã phải cắt triền miên.

 

 

Lý giải điều này, ông Vượng cho biết, theo dự báo đưa ra cuối năm 2010, với tốc độ tăng trưởng phụ tải 18,3%, huy động điện trong 6 tháng mùa khô trên 54 tỉ kWh, khả năng thiếu hụt khoảng 2,08 tỉ kWh. Tuy nhiên, sau hai tháng đầu mùa khô (phụ tải tăng trưởng 12,9%, tăng thấp hơn tính toán khoảng 300 triệu kWh/tháng và không phải thực hiện tiết giảm), lượng thiếu hụt theo cân đối lại khoảng 1,7 tỉ kWh.

 

Cũng theo khẳng định của Bộ Công thương, từ nay tới hết tháng 6, tổng sản lượng điện năng phát và nhập khẩu có thể cung ứng được là 38,04 tỉ kWh, đáp ứng được cơ bản nhu cầu điện với tăng trưởng trung bình dưới 15%.

 

“Với những biện pháp tiết kiệm điện đang triển khai mạnh mẽ, thời tiết dự báo nước về các hồ thủy điện sắp tới nhiều hơn. Đặc biệt là cố gắng đẩy nhanh các dự án điện có khả năng vào vận hành luôn trong 6 tháng mùa khô (tổ máy 2 nhiệt điện Nhơn Trạch, Sơn La, Đồng Nai 3), nguồn cung mới tăng lên, cầu giảm đi, khả năng tiết giảm có thể không xảy ra”, ông Vượng khẳng định.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, tổng sản lượng 38,04 tỉ kWh trong 4 tháng còn lại của mùa khô có được khi EVN sẽ phải vận hành tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn chạy dầu DO, FO giá cao. Sản lượng này có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu các nhà máy nhiệt điện than mới vào tại miền Bắc tiếp tục vận hành thiếu ổn định như năm 2010 (hiện tại một số tổ máy vẫn phải ngừng để xử lý sự cố như tổ máy số 2 Nhiệt điện Hải Phòng công suất 300 MW hay tổ máy số 2 công suất 110 MW của Nhà máy điện Sơn Động). Ngoài ra, sự cố máy biến áp của Nhiệt điện Phú Mỹ 3, dự kiến cuối tháng 3 mới khắc phục xong, cũng làm giảm sản lượng phát của nhà máy này gần 700 triệu kWh. Chưa kể, lượng nước về hiện tại vẫn đang rất thấp khiến các nhà máy thủy điện chưa thể phát hết công suất, trong khi nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trưởng cao do sản xuất, kinh doanh đi vào guồng.

 

Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, nếu nhu cầu phụ tải tăng trên 15% sẽ phải thực hiện tiết giảm.

 

Điều chỉnh phương thức cắt điện

 

 

Cũng theo ông Thắng, do năm ngoái ưu tiên điện sản xuất, cắt giảm nặng nề rơi vào điện sinh hoạt, điện nông thôn, tác động không tích cực đến đời sống người dân. Nên năm 2011 sẽ điều chỉnh lại phương thức cắt giảm, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo những ngành tiêu thụ lớn, hiệu quả không cao sẽ phải tiết giảm, hỗ trợ cho điện sinh hoạt. “Theo chỉ đạo của bộ, giao cho UBND tỉnh căn cứ trên lượng điện có thể sản xuất được, tính ra khả năng thiếu hụt bao nhiêu. Nếu xảy ra thiếu hụt, tiết giảm đối tượng nào để công bằng”, ông Thắng nói.

 

Tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo

 

Đáng chú ý nhất trong biểu giá điện mới là việc bỏ trợ cấp toàn dân với 50 kWh đầu tiên. Theo Thứ trưởng Vượng, có khoảng 3,2 triệu hộ dân nghèo theo tiêu chí Thủ tướng ban hành được hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng/người/tháng (mức thu nhập dưới 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và dưới 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị). Tổng số tiền từ việc bỏ trợ cấp này khoảng 1.120 tỉ đồng mỗi năm.

 

Theo Bộ Công thương, với các hộ nghèo có sản lượng điện sử dụng hằng tháng 50 kWh, do được hỗ trợ giá trực tiếp 30.000 đồng/tháng, thực tế các hộ nghèo chỉ phải trả 20.000 đồng, tương ứng với mức hỗ trợ giá điện đến 60%, tiền điện áp dụng cho các hộ nghèo là 400 đồng/kWh (trước khi tăng giá là 600 đồng/kWh). Bên cạnh đó, các hộ có thu nhập thấp sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng khi đăng ký với ngành điện, sẽ được hỗ trợ bằng 80% giá bán điện bình quân.

 

(Theo Thanh niên)