Ngày hội xuống đồng ở Qùy Châu
Vụ lúa mùa năm 2010, 3 xã vùng trong của huyện Quỳ Châu là Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm bị mất trắng do hạn hán. Người dân ở đây bị thiếu ăn hơn nửa năm. Để đảm bảo đời sống cho nhân dân, sau những ngày tết Nguyên Đán, mọi người đã xuống đồng triển khai cày cấy vụ xuân cho kịp nông lịch. Năm nào, cũng vậy, huyện Quỳ Châu đều tổ chức lễ hội xuống đồng, cầu mong được “mở cửa đồng, thông cửa ngõ”, cầu mong trời đất, tổ tiên phù hộ cho con cháu lúa đầy nhà, gà đầy chuồng to, trâu đầy sàn, nhà nhà vui vẻ đầm ấm. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: Vụ Hè Thu năm qua, xã Châu Phong bị mất mùa do hạn hán và cấy muộn. Thực hiện vụ xuân, năm nay, khi có chủ trương của huyện, xã đã làm việc với phòng nông nghiệp để cấp đủ giống cho bà con. Tuy nhiên, thời gian qua, do thời tiết rét hại đã làm cho một số mạ bị chết nhiều. Theo kế hoạch của huyện, xã đã tổ chức lễ hội xuống đồng tại bản Tóng 1 một cách vui vẻ. và quyết tâm chỉ đạo bà con sản xuất tốt.
Đầu năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại kéo dài, tỷ lệ mạ chết rét chiếm tới gần 50%. Bà con vùng cao Quỳ Châu vô cùng khó khăn trong việc sản xuất vụ xuân này. Trước mắt, huyện chỉ đạo bà con nhân dân cày cấy hết diện tích, chăm sóc số mạ còn sống và đưa các giống lúa địa phương vào sản xuất. Những nơi thiếu nước và thiếu giống bà con nên chuyển sang trồng màu như khoai, sắn đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Bên cạnh đó, bảo vệ tốt đàn gia súc gia cầm trong mùa rét và tổ chức tốt việc tiêm phòng vụ xuân nhằm bảo vệ tốt đàn gia súc gia cầm cho nhân dân.
Lễ hội xuống đồng và tết trồng cây hàng năm trên địa bàn huyện Quỳ Châu là dịp để động viên bà con nhân dân khắc phục những khó khăn về thời tiết xuống đồng cày cấy hết diện tích. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào miền núi cầu mong mọi sự tốt lành, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Ngay sau lễ xuống đồng, bà con nhân dân đã tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Toàn huyện phấn đấu trồng 1.500ha rừng tập trung phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chủ yếu là các loại cây nguyên liệu như keo lai, keo lá tràm và bạch đàn.
(Bé Vinh)