Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

"Rốn" lũ vào Xuân

19:59, 01/02/2011
Xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên được coi là “rốn” lũ với trận lũ lịch sử tràn qua vào cuối tháng 10 năm 2010 cuốn đi bao nhà cửa, ruộng vườn. Nhưng với nhiều nỗ lực, đến nay màu xanh no ấm đã hồi sinh trên “rốn lũ”.
 
Chị Bá Thị Mậu đang chăm sóc vườn rau của mình sau cơn lũ lịch sử tháng 10/2010 đi qua.
 
 
Trên những bờ bãi, ruộng vườn nào rau, nào bầu, bí, ngô, khoai…đã tươi xanh, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Mão. Bên luống rau cải đã cho thu hoạch được vài lứa đi chợ, chị Bá Thị Mậu, ở xóm 5, nói: “Thiên tai khó lường, Hưng Nhân lại là vùng nằm ở ngoài đê thường xuyên ngập lụt.
 
Lũ rút, người dân chúng tôi tiếp tục bắt tay ngay vào sản xuất, mùa nào cây ấy, không để đất nghỉ, tự cứu đói cho mình. Cây rau màu hàng hóa ngắn ngày dễ cho thu nhập nên bà con tập trung làm rau màu hàng hóa để đảm bảo cái ăn cái mặc. Còn những cái lớn hơn trong gia đình đang dựa vào 5 sào lúa và 7 sào lạc vừa được gieo trỉa đến tháng 3, 4 âm lịch năm Tân Mão mới cho thu nhập”.
 
Dọc bãi bồi sông Lam, màu xanh mơn mởn của của ngô, khoai lang, rau bầu lấy ngọn…ngút tầm mắt. Ông Hồ Đức Cần tâm sự: “Lũ vào đã cuốn phăng tất cả mùa màng của bà con trên bãi, trên đồng. Bây giờ phải đào sâu, cuốc bẫm, chăm sóc cây trồng mới bù đắp lại thiệt hại. Đất sau lũ tốt lắm, chỉ cần chịu khó là các cây trồng cứ thế mà lớn lên thôi. Ngô, rau, tôi vừa trồng sau lũ đã tốt bời bời, đảm bảo lương thực cho cả người và phục vụ chăn nuôi”.
 

Sau cơn lũ, đã có nhiều gia đình làm rau khấm khá hơn.

Ông Nguyễn Công Hoan - Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân cho biết: “Là xã nằm ngoài đê nên khi lũ tràn về, 100% hộ dân đều ngập sâu trong nước. Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào cả nước và bà con Việt kiều, bà con nhân dân Hưng Nhân đã vượt qua cái đói, cái khổ ngay trong lũ và sau lũ. Đó là cái ơn, cái nhớ bởi mỗi người dân đều thấm thía rất rõ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”".
 
Lo cái trước mắt đã có bao tấm lòng hảo tâm, nhưng lo cái ăn lâu dài, người dân Hưng Nhân đều nhận rõ phải dựa chính vào nội lực của từng người, từng gia đình hộ dân trong xã. Vì vậy, người dân Hưng Nhân đã bắt tay vào làm lại vụ đông, toàn xã gieo trồng được trên 100 héc ta ngô và rau màu như bầu lấy ngọn, rau cải, rau mùi, đậu cô ve; khôi phục 40 ha rau ngót - một loại cây thế mạnh của địa phương, cung cấp cho thị trường thành phố Vinh đem lại nguồn thu khá ổn định...

Xã cũng đang tập trung chỉ đạo các ngành, tổ chức đoàn thể chuẩn bị các điều kiện lo cho nhân dân đón Tết nguyên đán đảm bảo vui tươi, lành mạnh với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân; kịp thời phân bổ gạo, quà, chế độ Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đảm bảo nhà nhà đều có Tết”.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Phan Thị Xuân, một trong số gần 180 hộ nghèo trong toàn xã. Chồng chị là anh Hoa Hồng Lĩnh đau ốm kinh niên không làm được việc gì, một mình chị nuôi 3 đứa con đang tuổi học. Chị chia sẻ: “Cái nghèo thì khó thoát khỏi khi chỉ một lao động chính mà nuôi 5 miệng ăn, thêm tiền thuốc của chồng, tiền học của 3 đứa con. Đói thì không khi mình chịu khó trồng cây rau, cây ngô, cây khoai, cây lúa trên đất khoán của mình, đất mượn; nuôi thêm con gà, con vịt… Tết Nguyên đán này, gia đình được Nhà nước hỗ trợ gạo, quà, tiền nên cũng không phải lo là không có thịt cá, không có bánh trái, kẹo…”.

Một mùa xuân mới đang về trên làng quê Hưng Nhân. Chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình nông dân đang khẩn trương cấy xong những mảnh ruộng còn lại trước Tết. Những gia đình cấy xong rồi thì đang bắt tay vào quét dọn, trang hoàng nhà cửa và sắm sửa Tết.
 
Chợ quê nơi rốn lũ

 

Gặp anh Nguyễn Văn Dũng, xóm 4, trên chiếc xe máy với đủ thứ, nào là hoa nhựa, lá giong, bánh kẹo…, anh cho biết: “Gia đình tôi vừa cấy xong lúa vụ xuân hôm qua, hôm nay tranh thủ đi chợ mua trước vài thứ và thấy được không khí sắm Tết thật rộn ràng. Mặc dù thời tiết năm qua không thuận lợi cho sản xuất của những gia đình nông dân như tôi, nhưng Tết năm nay nhà nào cũng sắm Tết đầy đủ. So với nhiều làng quê thì đời sống của bà con Hưng Nhân đang còn khó khăn, nhưng so với các năm trước thì đã được cải thiện rất nhiều”.

Rời Hưng Nhân trong không khí chộn rộn Tết, lòng tôi ngập tràn niềm vui, bởi vùng lũ đã hồi sinh, no ấm. Bà con Hưng Nhân đã và đang hân hoan chào đón một năm mới với một cái Tết ấm áp.

 

(Theo Dân trí)