Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đô Lương: Khó khăn trong “Đưa hàng Việt về nông thôn”

12:19, 20/03/2011
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ chính trị là cuộc vận động hết sức có ý nghĩa nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng và kích thích doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng, sức cạnh tranh cao cho người Việt. Để hưởng ứng tích cực cuộc vận động trên, nhiều địa phương trong nước đã triển khai thực hiện chương trình này với kết quả

 

Đô Lương là một trong những huyện sớm triển khai thực hiện chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Trong năm 2010, phòng công thương của huyện đã nhiều lần liên hệ để phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tổ chức các chuyến hàng Việt, hội chợ thương mại quy mô lớn nhưng vẫn không thực hiện được. Bởi một lẽ, các doanh nghiệp cho rằng, người dân vùng nông thôn đang ở mức thu nhập thấp chắc chắn sức mua không bằng người dân thành thị. Kinh phí để vận chuyển một chuyến hàng Việt về nông thôn là rất lớn, trong khi tỉnh và Sở công thương chưa có chính sách hỗ trợ về kinh phí, quảng bá sản phẩm và mặt bằng tổ chức cho doanh nghiệp. Mặt khác, tâm lý sính hàng ngoại vẫn đang ăn sâu vào người tiêu dùng, nhất là hàng Trung Quốc vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại. Khó khăn là vậy nhưng phòng công thương Đô Lương vẫn quyết tâm trong năm nay thực hiện được một hội chợ thương mại để giới thiệu hàng Việt Nam và các mặt hàng truyền thống của địa phương như: Bánh đa, kẹo lạc, đồ gỗ mỹ nghệ, tơ tằm đến với người dân. Ông Nguyễn Đình Kiều - Phó phòng công thương huyện Đô Lương cho biết thêm: Huyện  đã phối hợp với công ty Á Châu ở Hải Dương để tổ chức hội chợ thương mại dự kiến vào ngày 15 đến 22/4. Trong đó, có khoảng 10 gian hàng giới thiệu các sản phẩm của địa phương.

 

Công ty cổ phần xây dựng tổng hợp Đô Lương là đơn vị đang thực hiện khá tốt việc bán hàng Việt cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện, công ty đã xây dựng được 25 điểm bán lẻ các sản phẩm hàng Việt Nam như: quần áo may mặc sẵn, đồ điện, công nghệp phẩm và thường xuyên giới thiệu, quảng bá bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi để giới thiệu đến người tiêu dung hàng Việt Nam . Chỉ tính riêng trong năm 2010, doanh thu bán lẻ hàng Việt đạt gần 40 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng để người dân Đô Lương hiểu hơn về chất lượng hàng Việt và dần đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chương trình này, công ty cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều mặt từ phía tỉnh Nghệ An. Ông Nguyễn Tất Vinh - Chủ tịch hội đồng quản trị-giám đốc công ty cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về giá, đặc biệt các nhà máy sản xuất có cam kết tạo vốn cho doanh nghiệp vì không có vốn thì vay ngân hàng lãi suất rất cao.

 

Khu vực nông thôn lâu nay vẫn được coi là thị trường rộng lớn, song các doanh nghiệp trong nước vẫn xem nhẹ khiến thị trường này trở thành nơi chiếm lĩnh của hàng Trung Quốc. Nếu các ngành, các cấp không triển khai mạnh mẽ theo chiều sâu, thì chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chỉ dừng lại ở mức phong trào. Vì vậy, các ban ngành liên quan cần tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước để họ tiếp tục đưa hàng nhiều hơn về nông thôn. Có như vậy, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ” mới thực sự là cuộc vận động lớn, có ý nghĩa cho người tiêu dùng ở vùng nông thôn.

 

(Hoàng Hiếu)