Kéo che làm mật ở Nghĩa Trung
|
|
Xóm 17, xã Nghĩa Trung là một xóm thuần nông, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa và cây mía. Ngoài trồng mía nhập cho nhà máy đường thì những năm gần đây bà con tự tổ chức ép mía lấy để lấy mật, vừa tạo việc làm lại cho thêm thu nhập. Vào vụ ép, từ đầu xóm đến cuối xóm mọi người đang tất bật bên lò nấu, người chuẩn bị nguyên liệu, người ép mía, người quấy mật. Để làm ra những giọt mật sánh vàng, cũng gian nan vất vả, trước đây bà con phải tận dụng sức trâu bò, ngày nay việc làm mật đã được thay thế bằng các máy móc hiện đại nên đỡ vất vả hơn. Gia đình ông Cao Văn Thành là một trong những hộ sản xuất mật nhiều nhất của xóm, trung bình mỗi ngày gia ép khoảng 5-7 tấn, thu được 400-600 lít mật, tạo việc làm cho 2 lao động, với mức lương 3 triệu/người/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ ép từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch lãi từ 80-90 triệu đồng. Ông Thành cho biết thêm: Gia đình có hơn 2 mẫu đất trồng mía, trước đây, cũng như nhiều hộ dân ở đây, gia đình ông bán cho nhà máy. Sau một thời gian, do nhiều yếu tố, gia đình tự tổ chức ép mật, ngoài ra, còn thu mua mía của các hộ khác về ép, vừa tạo được việc làm sau khi hết mùa vụ, vừa cho thêm thu nhập.
Hiện nay, ở xóm 17 có 17/30 hộ làm mật mía. Đến nay, mật mía của Nghĩa Trung đã được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến không chỉ về màu sắc mà còn cả về chất lượng. Bí quyết ép mía mật của bà con xóm 17 Nghĩa Trung khi nấu mật mía, đường mía là luôn giữ lửa trong lò được ổn định. Đặc biệt, trong công đoạn chưng cất mật, khi mật bắt đầu sôi là vớt bọt, nếu không vớt kịp thì mật sẽ bị đen và không thơm ngon. Ông Trần Văn Thủy, một lái buôn ở Quỳnh Lưu đánh giá: mật ở đây độ đường cao, màu sắc đẹp, được nhiều người ưa thích.
Với đặc thù là xóm thuần nông, chủ yếu sống dựa vào cây mía như ở xóm 17 xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn thì đây là một hướng đi phù hợp và có nhiều thuận lợi, góp phần làm cho cuộc sống của người dân đi lên từng ngày.
(Thu Hiền)