Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Kinh tế trang trại - hướng phát triển bền vững ở Thanh Chương

15:23, 03/03/2011
Sau 3 năm thực hiện đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại (2008-2015), đến nay, toàn huyện Thanh Chương đã có gần 200 trang trại đạt tiêu chí. Kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tạo công ăn việc làm cho lao động của địa phương mà quan trọng hơn là làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người nông

 

Xã Thanh Hương hiện có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại, trong đó có 30 trang trại đã được công nhận đạt tiêu chí. Đây cũng là xã có số lượng trang trại vào hàng lớn nhất của huyện Thanh Chương không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng cũng như quy mô trang trại. Trong đó, có những mô hình trang trại mang lại hiệu quả cao, thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng như trang trại của anh Bảo, anh Kim, anh Tuấn, anh Đông, anh Lập,… Để hình thành nên các trang trại, mỗi gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng cùng hàng trăm ngày công lao động. Điển hình như trang trại của anh Ngô Văn Lập ở xóm 5 đầu tư tới gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Hiện trong chuồng anh lúc nào cũng có hàng trăm con lợn thịt cùng vài chục con lơn nái sinh sản. Mỗi năm, anh xuất chuồng 2-3 lứa đem về doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng chưa kể thu nhập từ gà, vịt, cá và trồng rừng. Hay như trang trại của ông Nguyễn Văn Thìn ở xóm 12 là trang trại trồng rừng và trồng chè nguyên liệu kết hợp chăn nuôi đại gia súc. Hiện ông có 12ha rừng keo cùng với gần 2ha chè đã cho thu hoạch gối đầu thường xuyên. Bình quân mỗi năm trừ chi phí ông cũng thu về vài ba trăm triệu đồng… Không chỉ dừng lại ở mức thu nhập hiện tại mà hầu hết chủ trang trại đều đang có ý định mở rộng quy mô cũng như thay đổi quy cách sản xuất để có thu nhập cao hơn.

 

Kinh tế trang trai là một hướng phát triển bền vững các huyện miền núi Nghệ An

 

Không riêng xã Thanh Hương mà hiện nay, mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại đang phát triển ở hầu khắp các xã ở Thanh Chương. Trong số 5 loại hình trang trại hiện có trên địa bàn thì có 3 loại hình trang trại phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng là trang trại chăn nuôi, trang trại trồng cây lâm nghiệp và trang trại nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nhiều mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp như ở Đồng Văn, Thanh Lĩnh, Thanh Ngọc, Thanh Phong… đã được quy hoạch, xây dựng trên những cánh đồng sản xuất kém hiệu quả trước đây. Theo số liệu thống kê, sau 3 năm thực hiện đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại (2008-2015), đến nay, toàn huyện Thanh Chương đã có gần 200 trang trại đạt tiêu chí, vượt trên 61% so với mục tiêu đề ra trong năm 2010. Bình quân mỗi trang trại có diện tích đất sử dụng đạt gần 11ha, với mức đầu tư xây dựng ban đầu hơn 136 triệu đồng. Về chất lượng, hiệu quả của kinh tế trang trại trên địa bàn huyện.

 

Từ hiệu quả thực tế mà các trang trại mang lại, huyện Thanh Chương đã xác định: phát triển kinh tế trang trại là hướng đi để nông dân Thanh Chương vươn lên xóa đói, giảm nghèo, hướng tới làm giàu chính đáng. Để làm được điều này, trong năm nay, huyện tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần thứ 2. Mục tiêu mà huyện đề ra là đưa mỗi hộ về chỉ canh tác từ 1 đến 2 xứ đồng. Hiện đề án đã được triển khai xuống tận các xã cũng như các thôn, xóm và nhận được sự đồng tình rất cao từ phía các hộ nông dân. Huyện đang tập trung chỉ đạo đến hết vụ hè thu năm nay sẽ cơ bản thực hiện xong việc chuyển đổi ruộng đất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân có trong việc quy hoạch, xây dựng trang trại để phát triển kinh tế. Ông Phan Đình Hà - Phó CTUBND huyện Thanh Chương cho biết: Thực hiện chuyển đổi ruộng đất để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế trang trại, huyện phấn đấu đến cuối năm sẽ bàn giao thực địa, chỉnh lý hồ sơ để cấp bìa đỏ sau này.

 

Phải khẳng định rằng, phát triển kinh tế trang trại là hướng đi vững chắc và phù hợp ở Thanh Chương nói riêng và các huyện miền núi Nghệ An nói chung hiện nay. Nó không những góp phần tích cực vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động của địa phương. Quan trọng hơn là làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

(An Duyên)