Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tương Dương bảo vệ, phục hồi, khoanh nuôi rừng gỗ quý đinh hương

15:16, 16/03/2011
Những năm qua, ở Tương Dương, tình trạng khai thác củi và gỗ non khá phổ biến đã làm cho chất lượng rừng giảm sút, đặc biệt là những loài gỗ giá trị như Kim Giao, Chò Chỉ, Dạ Hương… ngày càng có nguy cơ bị cạn kiệt. Để khắc phục tình trạng trên, Hạt kiểm lâm Tương Dương đã xây dựng và đưa vào thực hiện mô hình "Bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng Đinh Hương". Sau 3 năm triển

 

Trong số 280.000ha đất tự nhiên thì đất lâm nghiệp chiếm 93,5% tổng diện tích đất có rừng gần 150.000ha. Trong đó, diện tích đất có rừng chiếm gần 53%, chủ yếu là rừng phục hồi, tổ thành loài cây gỗ khá phong phú, nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao. Do đời sống kinh tế xã hội của người dân còn thấp, sản xuất nông - lâm nghiệp kém phát triển, nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng chưa cao. Bởi vậy, tình trạng khai thác củi và gỗ non vẫn diễn ra khá phổ biến… làm cho nhiều loài gỗ quý đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trước tình trạng đó, Hạt kiểm lâm Tương Dương đã xây dựng đề án"Bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi  rừng Đinh Hương" tại bản Cửa Rào II xã Xá Lượng, Tiểu khu 636. Mô hình có tổng diện tích tự nhiên gần 84ha. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 50ha và diện tích đất chưa có rừng là 25ha. Khu vực mô hình bao gồm 31 thửa đất được giao cho 26 hộ gia đình và ban quản lý thôn bản quản lý 5 thửa. Hầu hết những hộ gia đình thuần nông đã được giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý sử dụng ổn định lâu dài. Tuy vậy, các chủ rừng chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tiềm năng đất đai của địa phương còn bị lãng phí. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, năng lực sản xuất thấp, hơn nữa còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tương Dương cho biết thêm: Gỗ Đinh Hương thuộc nhóm II, có độ bền cơ lý cao, màu đỏ, có vân thớ đẹp, là nguyên liệu quý được ưa chuộng để sản xuất đồ nội thất cao cấp và xây dựng các công trình lớn, xây dựng nhà cửa. Tại khu vực mô hình, mật độ cây Đinh Hương tập trung cao, trên diện tích rộng, khu vực mô hình là một trong những nơi còn sót lại của rừng Đinh Hương trước đây. Mặc dù rừng tại khu vực đã có chủ quản lý, tuy nhiên vì lợi ích trước mắt nên việc quản lý lợi dụng rừng còn tuỳ tiện, nhiều đối tượng đang nhìn ngó khai thác lén lút đã tạo ra áp lực lớn cho khu rừng. Bởi vậy, việc triển khai xây dựng mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng Đinh Hương tại bản Cửa Rào II là hết sức cần thiết.

 

Triển khai thực hiện mô hình, Hạt đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị toàn dân phổ biến tuyên truyền các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tiến hành xây dựng tổ đội bảo vệ rừng - PCCCR tại thôn bản, phân định ranh giới mô hình trên bản đồ và thực địa, phát dọn đường ranh, đóng mốc bảng chỉ dẫn. Cùng với đó, tiến hành xây dựng quy ước bảo vệ rừng theo tinh thần Thông tư 70, tổ chức giao rừng trên thực địa cho chủ rừng và xây dựng các bảng tuyên truyền, nội quy bảo vệ khu rừng. Sau 3 năm triển khai mô hình, không chỉ bảo vệ và phục hồi được 35,3ha rừng đinh hương quý hiếm mà xã Xá Lượng còn khoanh nuôi xúc tiến tái sinh gần 13ha rừng tự nhiên và trồng 12ha rừng mét. Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tương Dương khẳng định: Thành công của mô hình đó là thông qua việc xây dựng mô hình giúp người dân và các chủ rừng hiểu và nắm được các kỹ thuật căn bản trong quá trình khoanh nuôi, điều tiết để phục hồi và bảo vệ được rừng, tạo được các mô hình có sẵn trong tự nhiên để người dân trên địa bàn có thể xem và học tập nhân rộng mô hình trên địa bàn xã và huyện nói chung.

 

Rõ ràng, với giá trị của loài gỗ quý hiếm đinh hương như hiện nay thì chỉ sau một vài năm nữa thì khu rừng ở bản Cửa Rào II xã Xá Lượng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho các chủ rừng ở đây. Điều đáng nói hơn, việc bảo vệ được rừng gỗ đinh hương sẽ góp phần tăng độ che phủ của rừng, giữ được nguồn gen thực vật quý hiếm cho Tương Dương cũng như của cả nước, góp phần thực hiện thành công Đề án "xã hội hoá công tác bảo vệ rừng" của tỉnh giai đoạn 2005-2010.

 

(Hiến Chương)