Điểm mới trong cắt giảm đầu tư công năm 2011
Cắt giảm đầu tư công là tất yếu
Vai trò của đầu tư công vốn rất quan trọng do đóng góp lớn vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm; định vị và củng cố nền kinh tế của đất nước trong mối quan hệ của khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì đầu tư công càng nổi bật vai trò duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và góp phần bảo đảm việc làm và an sinh xã hội thông qua các gói kích cầu của Chính phủ.
Nhưng do đặc điểm tính chất nguồn vốn và mục tiêu đầu tư, nên đầu tư công có hiệu quả kinh tế không cao hoặc khó xác định. Hơn nữa, ở Việt Nam, đầu tư công thường có mối liên hệ trực tiếp với diễn biến của lạm phát và định hướng cũng như tốc độ phát triển kinh tế.
Cắt giảm đầu tư công là tất yếu như một liệu pháp thu hẹp tổng cầu nhanh chóng nhất, giảm sức ép lạm phát tiền tệ trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng, nhất là lạm phát chi phí đẩy gắn với việc điều chỉnh giá xăng, dầu, điện và than mới đây. Hơn nữa cắt giảm đầu tư công còn là điều kiện để dồn vốn đầu tư xã hội theo những kênh đầu tư và dự án đầu tư có hiệu quả hơn.
Theo TS. Vũ Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế, vai trò chi phối của cải xã hội của Chính phủ ta lớn hơn so với chính phủ các nước khu vực. Hay nói khác đi, xét về tỷ lệ vốn đầu tư/ GDP thì Chính phủ Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất so với chính phủ các nước Đông Á và Đông Nam Á. Mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra lượng tiền đầu tư công bằng khoảng 17-20% GDP thì tại các nước trong khu vực chỉ dưới 5% (Trung Quốc là 3,5%, Indonesia 1,6%). Đó là một xu thế ngược với yêu cầu giảm đầu tư công vào nền kinh tế để tăng đầu tư phát triển từ các nguồn vốn xã hội khác.
Điều này càng cho thấy, cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã hướng tới mục tiêu lâu dài là nâng cao hiệu quả của đầu tư công cũng như tái cấu trúc nền kinh tế.
Rà soát để nâng cao hiệu quả đầu tư công
Cắt giảm đầu tư công trong năm 2011 có một số điểm mới.
Thứ nhất, Chính phủ không coi cắt giảm đầu tư công là giải pháp tình thế mà đặt nó trong lộ trình dài hạn và biện pháp tổng thể.
Theo đó, cùng với thắt chặt và điều chỉnh cơ cấu hoạt động tín dụng, tiền tệ (khống chế mức tăng dư nợ tín dụng cả năm dưới 20% ) để nâng cao hiệu quả và giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội; giảm tổng cầu phi sản xuất để kiềm chế lạm phát, nhập siêu, tiết kiệm năng lượng.
Nói cách khác, cắt giảm đầu tư công năm 2011 không chỉ là cắt giảm để chống lạm phát mà là dịp để rà soát tính hợp lý, nâng cao hiệu quả của đầu tư công và tái cấu trúc nền kinh tế…
Chúng ta đã biết năm 2011, Chính phủ cùng lúc tiến hành những nhiệm vụ nặng nề trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa thực hiện xoá bỏ bao cấp nhiều mặt hàng đầu vào chiến lược, lại phải có các giải pháp kiềm chế lạm phát, tăng cường an sinh xã hội.
Trong những năm trước, đã có những tranh luận về thực hiện mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, 2 nhiệm vụ có những mục tiêu trái chiều, vấn đề tăng trưởng kinh tế dường như đã được ưu tiên hơn. Nhưng năm 2011, lần đầu tiên việc cắt giảm đầu tư công được thực hiện trên tinh thần mới, với những định hướng quan trọng theo Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó nêu bật quan điểm: Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá bị ràng buộc và câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kể hoạch 5 năm.
Thứ hai, tuy không đặt vấn đề thu hồi vốn đầu tư NSNN về trung ương mà để các địa phương, các ngành và doanh nghiệp tự thẩm định, cắt, giảm hoặc điều chỉnh vốn đầu tư trong phạm vi phân cấp quản lý của mình để dồn vốn cho những dự án hiệu quả, nhưng về nguyên tắc, sau khi kiểm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ, để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác.
Trong tháng 4/2011, các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh phương án điều chuyển vốn, trước khi báo cáo Thủ tướng.
Như vậy có thể nói với động thái quyết liệt này, sẽ có hàng ngàn dự án cắt giảm, kéo theo lợi ích cho rất nhiều tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tiêu chí cắt giảm đầu tư công gồm những dự án chưa có quyết định đầu tư, dự án kéo dài quá mức, dự án khả năng hoàn thành lâu phải cắt giảm sẽ đình hoãn để tập trung vốn cho dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011, 2012. Các khoản chuyển nguồn và ứng vốn (thông thường trước đây cho tạm ứng 30% mức vốn của năm sau) nay sẽ không được tạm ứng nữa. Vốn sẽ được tập trung cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án thuộc ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính.
Theo ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lần cắt giảm đầu tư công năm 2011 sẽ làm quyết liệt hơn năm 2008.
Trong công văn số 1070 gửi các bộ, UBND các tỉnh thành và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh đến các nguyên tắc hướng dẫn việc tự rà soát sắp xếp các dự án theo nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Ví dụ, không bố trí vốn NSNN và trái phiếu chính phủ cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, các dự án kém hiệu quả, các dự án mới khởi công trong năm 2011, trừ các dự án phòng chống, khắc phục thiên tai cấp bách, các dự án sử dụng vốn ODA... Hoặc đình hoãn, giãn tiến độ các dự án thực hiện nhiều năm, nhưng triển khai chậm, bố trí vốn nhỏ giọt, kéo dài; các dự án khó có khả năng hoàn thành trong năm 2011 do không giải phóng được mặt bằng; không bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ do nhu cầu mở rộng quy mô...
Những dự án thuộc diện phải đình hoãn, giãn tiến độ là các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhiều năm nhưng triển khai quá chậm; các dự án không có khả năng thực hiện trong năm 2011 do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoặc các vướng mắc khác… Với các tập đoàn Nhà nước thì phải đình hoãn, giãn tiến độ các dự án kém hiệu quả, chưa rõ nguồn vốn.
Trong Nghị quyết 11, Chính phủ cũng nêu rõ, đối với nguồn đầu tư từ ngân sách thì chưa đặt vấn đề cắt giảm, mà chỉ bố trí, sắp xếp để đầu tư hiệu quả hơn, bởi vì nguồn vốn này chủ yếu phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế.
Điều này cho thấy cắt giảm đầu tư công không phải được thực hiện một cách máy móc, cơ học, mà Chính phủ vẫn dành quan tâm đặc biệt đến những dự án đảm bảo an sinh xã hội có hiệu quả, hoặc công trình có thể hoàn thành sớm đưa vào sử dụng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: Vấn đề lớn nhất không phải là cắt giảm đầu tư công theo định lượng. Những dự án nào đầu tư quá dàn trải, chưa đủ điều kiện về thủ tục cần phải xem xét. Những yêu cầu nào hợp lý của địa phương chúng ta phải đáp ứng. Chẳng hạn, vừa rồi những vùng bị thiên tai lũ lụt, Chính phủ đã hỗ trợ về nguồn vốn dự phòng. Mục tiêu là không loại bỏ các dự án đó, mà phải đôn đốc để triển khai tốt hơn các dự án đó, sớm mang lại cuộc sống ổn định cho nhân dân, sự phát triển ổn định cho các địa phương.
(Theo chinhphu.vn)