Hốt "sạn" từ một hội chợ hàng Việt
Đó là trò chơi chiếc nón kì diệu – một hình thức cờ bạc trá hình khá phát triển trong hội chợ. Thực tế nhiều người mất không ít tiền vào trò chơi vô bổ, phản giáo dục này, trong đó có cả học sinh. Hậu quả của trò chơi này đã gây ra nhiều cảnh dở khóc, dở cười: Một bà già mới nhận lương hưu về, buổi sáng tham gia trò chơi mất 400.000 đồng, nghe “chủ cái” nói chiều chơi tiếp thế nào cũng hòa vốn. Bà già tin thật, chiều quay lại tiếp tục tham gia trò chơi, thế là số lương hưu 2,4 triệu đồng mất trắng. Thậm chí có đôi vợ chồng trẻ mới cưới, tưởng bở ăn, tháo luôn nhẫn cưới ra chơi “chiếc nón kì diệu”, nhưng có “kì diệu” thế nào thì chiếc nhẫn cũng không bao giờ quay lại.
Thiết nghĩ, ban tổ chức hội chợ nên ngăn cấm hình thức cờ bạc trá hình trên, ít ra cũng có khuyến cáo để người dân không tham gia trò chơi này. Và người dân cũng cần tỉnh táo để không bị mắc lừa, gián tiếp tiếp tay cho cờ bạc.
Hội chợ lần này được mở ra nhằm hưởng ứng một năm ngày Bộ chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng vẫn xuất hiện nhiều mặt hàng của nước ngoài như bếp từ của Nhật, Thái Lan với giá cả cũng là “Nhật, Thái” khiến phần đông người dân ở một huyện nghèo như Nghĩa Đàn không thể mua nổi. Không những thế, các mặt hàng Trung Quốc chiếm tỉ trọng khá lớn trong hội chợ từ bấm cắt móng tay, chiếc thìa, xong nồi đến quần áo, giày dép, máy mát xa - những thứ được bán chạy nhất ở hội chợ vì giá rẻ còn chất lượng như thế nào thì chưa biết.
Một điều đáng nói khác, những mặt hàng như mứt, ô mai không có nhãn mác, chỉ có giá niêm yết được bày ra khay bán vô tư và không thể biết nó đã đi qua bao nhiêu kỳ hội chợ.
Có lẽ không riêng gì ở Nghĩa Đàn mà cách tổ chức hội chợ thương mại ở các địa phương khác cũng nằm trong tình trạng tương tự. Điều này đòi hỏi phải có sự kiểm tra, giám sát của chính quyền, ban tổ chức để hội chợ thực sự lành mạnh để cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là khẩu hiệu.
(Đài TTTH Nghĩa Đàn)