Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Dấu ấn Nông thôn mới Nghệ An năm 2017

08:05, 04/01/2018

Năm 2017 là năm đầu tiên áp dụng bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1980 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều tiêu chí và nội dung tiêu chí yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã và sự đồng thuận của người dân, chương trình vẫn được thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh và đạt kết quả cao.

Ngay từ những năm đầu bước vào xây dựng Nông thôn mới, Đảng ủy, Chính quyền xã Đồng Thành, huyện Yên Thành đã xác định phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu, tập trung xây dựng các điển hình kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Từ đó, huy động nhân dân cùng chung tay, góp sức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó mà cuối năm 2017, xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới dù không đăng ký, cam kết với tỉnh từ đầu năm.

A
Đường giao thông nông thôn được bê tông hoá sạch đẹp.

Cảm nhận của ông Phạm Xuân Hợi – Nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Thành: “Đồng Thành đã có bước phát triển vượt bậc, từ cơ sở hạ tầng đến đời sống nhân dân, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, xứng đáng là xã Nông thôn mới”.

Ngoài 2 xã đăng ký với tỉnh đã đạt chuẩn trong năm 2017 là Mỹ Thành và Minh Thành, huyện Yên Thành còn có thêm 4 xã không đăng ký với tỉnh nhưng vẫn về đích Nông thôn mới, đó là các xã: Trung Thành, Vĩnh Thành, Đồng Thành và Bảo Thành, nâng tổng số xã đạt chuẩn của huyện lên 25 xã, đạt 66%.

Nói về kết quả này, ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ: “Xác định những hạng mục khó đạt tiêu chí nhất như: giao thông, thuỷ lợi, y tế đòi hỏi kinh phí lớn, huyện đã xây dựng kế hoạch dài hơi, đặc biệt là kêu gọi sự đồng thuận của nhân dân. Đến năm 2017, huyện đã quyết liệt hơn trong triển khai xây dựng Nông thôn mới để về đích”.

a
Cơ sở vật chất giáo dục được nâng cấp, đáp ứng tiêu chí Nông thôn mới.

Là một trong 5 huyện được chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của cả nước giai đoạn 2010 - 2020, huyện Nam Đàn cũng đăng ký và nỗ lực, quyết tâm về đích trong năm 2017. Cùng với việc tập trung chỉ đạo, đầu tư hỗ trợ 5 xã còn lại phấn đấu về đích, huyện cũng đã chỉ đạo 18 xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới; Đồng thời huy động các nguồn lực để hoàn thành 9 nhóm tiêu chí cấp huyện. Đến cuối năm 2017, Nam Đàn cũng được tỉnh đánh giá hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của huyện. 

Ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Năm 2017 ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ trong xây dựng Nông thôn mới. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới đến năm 2017 là khoảng 180 tỷ, trong đó vốn đối ứng của Trung ương 10 tỷ, tỉnh hỗ trợ gần 40 tỷ, còn lại do nhân dân, con em xa quê đóng góp và xã hội hoá”.

a
Giao thông nông thôn được bê tông hoá phía trong các ngõ, xóm.

Năm 2017, dù hầu hết các xã đăng ký về đích Nông thôn mới đều khó khăn nhưng toàn tỉnh vẫn có thêm 29 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, vượt kế hoạch đề ra 9 xã. Trong đó có 7 xã dù không đăng ký với tỉnh nhưng vẫn nỗ lực đạt chuẩn, đặc biệt không có xã nào nợ đọng xây dựng cơ bản. Sau 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hiện toàn tỉnh đã có 181 xã đạt chuẩn, đạt 42% và 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Nói về những dấu ấn xây dựng Nông thôn mới của tỉnh trong năm 2017, ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh khẳng định: “Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ưu tiên lồng ghép các nguồn lực trong xây dựng NTM để các xã trong diện xây dựng NTM xây dựng các tiêu chí đạt kết quả toàn diện và bền vững. Với những kết quả đã đạt được cũng như những kinh nghiệm trong xây dựng NTM, đến năm 2020, Nghệ An sẽ hoàn thành và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chính phủ giao cho Nghệ An”.

a
Năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn tỉnh vẫn có thêm 29 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, vượt kế hoạch, tạo đà cho các năm tiếp theo.

Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết 26 của Bộ chính trị đã đề ra. Với những kết quả đạt được trong 7 năm qua, nhất là trong năm 2017, tỉnh tiếp tục phấn đấu có từ 25 - 27 xã đạt chuẩn Nông thôn mới để từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới đến năm 2020.

Lê Hằng – Duy Thanh