Du nhập cây trồng mới: Lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn
Nông nghiệp hiện đại không chỉ tập trung vào nâng cao quy trình, công nghệ canh tác, chế biến mà còn chú trọng tới những giống cây trồng mới năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Việc đưa những loại cây trồng mới vào sản xuất sẽ mang lại lợi ích cho người dân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ diện tích hơn 1ha đất bị bỏ hoang 10 năm tại xã Nghi Liên, thành phố Vinh, anh Hồ Ngọc Đông cùng một số bạn bè đã thuê lại, cải tạo đất và đầu tư để trồng măng tây xanh. Đây là loại cây được gọi là rau hoàng đế bởi giá trị dinh dưỡng cao. Do trồng 1 lần thu hoạch từ 7 - 10 năm nên toàn bộ cây giống đều được anh Đông đặt hàng từ Mỹ. Những búp măng tây từ nông trại đang bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên, cung cấp cho siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Vinh.
1ha cây măng tây xanh được Nông trại Green Farm lần đầu trồng thử nghiệm tại thành phố Vinh. |
Anh Hồ Ngọc Đông – Giám đốc Nông trại Green Farm chia sẻ: “Nông trại lựa chọn giống tốt. Trước khi xuống giống đã xét nghiệm đất, nước để trồng theo hướng an toàn, sau đó sẽ làm VietGap. Trước mắt chúng tôi thấy hợp với chất đất, tuy nhiên cũng phải chăm sóc tốt hơn so với khu vực miền Nam”.
Giống cây được nhập 100% từ Mỹ. |
Năm nay, bà Nguyễn Thị Ngôn ở xóm 6, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu cùng với nhiều hộ dân khác đã tham gia trồng thử nghiệm hơn 4 sào ớt cao sản. Điều bà Ngôn và người dân băn khoăn không phải là kỹ thuật chăm sóc mà là ổn định đầu ra.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngôn: “Trước đây cũng có những trường hợp không thu mua như ngô ngọt, khoai tây, nhiều loại khác nữa. Khi trồng giống cây mới, điều tôi lo nhất là đầu ra sản phẩm”.
Giống ớt cao sản được người dân xóm 6, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu trồng thử nghiệm theo ký kết với doanh nghiệp. |
Nỗi lo lắng về đầu ra cho sản phẩm mỗi khi các doanh nghiệp đến đầu tư một loại cây trồng mới là có cơ sở. Bởi đã xảy ra nhiều trường hợp người dân phải trả giá đắt khi tham gia trồng cây theo hợp đồng doanh nghiệp. Từ những loại cây trồng ngắn ngày như cà rốt, su su, cỏ ngọt, đậu đũa, chuối… cho tới cây công nghiệp dài ngày, thậm chí là những cây thân gỗ lâu năm đều không tránh khỏi tình trạng rớt giá, phải phá bỏ. Việc đưa giống cây mới vào trồng nếu thiếu sự ràng buộc chặt chẽ giữa các bên không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người dân mà còn kéo theo những hệ lụy khác về vấn đề dịch hại.
Mặc dù đã ký kết nhưng nhiều hộ dân không khỏi băn khoăn, lo lắng về tính bền vững của việc trồng các giống cây mới. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Các giống mới nếu các hộ cá thể tự đưa vào mà không có hợp đồng kinh tế cụ thể, cam kết của doanh nghiệp, đặc biệt không có sự giám sát chặt chẽ đối với các đối tượng dịch bệnh của cơ quan chuyên môn, khả năng sẽ có những rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Hàng năm, chúng tôi cũng tổng hợp, cảnh báo cho bà con xu thế du nhập cây con mới trên địa bàn”.
Đầu ra sản phẩm cũng là bài toán cần được cân nhắc khi du nhập giống cây mới. |
Để tránh tình trạng sản xuất không tiêu thụ được, ngoài việc lựa chọn được loại cây trồng phù hợp chất đất, khí hậu địa phương thì khâu đàm phán ký kết hợp đồng liên kết cũng phải đảm bảo chặt chẽ. Có như vậy mới phát huy hết giá trị tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay./.
Phương Thảo – Quốc Toàn