Hướng đi mới từ nuôi cá lồng kết hợp với du lịch sinh thái ở Con Cuông
Sông Giăng chảy qua xã Môn Sơn, huyện Con Cuông dài hơn 30km thuộc vườn Quốc gia Pù Mát, quanh năm nước trong xanh. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, kết hợp du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.
Tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, ông Vi Văn Đoàn là một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá lồng trên sông Giăng. Với 3 lồng nuôi theo kiểu cuốn chiếu, mỗi năm gia đình ông Đoàn cung cấp cho thị trường khoảng 5 - 6 tạ cá trắm, bọp, thu lãi trên 50 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá lồng của ông Vi Văn Đoàn ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có quy mô gần 1.000 con cá. |
Theo chia sẻ của ông Đoàn: “Cá lồng trên sông Giăng nhanh lớn, ít nhiễm bệnh vì nguồn nước ở đây rất đảm bảo, phù du trong nước và cỏ làm thức ăn cho cá rất phong phú. Người nuôi chỉ cần tìm nơi neo đậu an toàn phòng khi mưa lũ là có thể nuôi cá lồng thành công”.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, mô hình du lịch sinh thái ở địa phương phát triển, ông Đoàn đã mạnh dạn kết hợp nuôi cá lồng bè với làm du lịch. Trên cây, dưới cá, khách du lịch đến đây có thể cảm nhận được không khí yên bình cũng như thưởng thức món cá theo cách chế biến mang đậm hương vị của người Thái.
Cá được nuôi theo phương thức tự nhiên nên được khách hàng ưa chuộng. |
Cũng ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, gia đình anh Lương Văn Nghi bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2016, bước đầu đã mang lại hiệu qủa kinh tế rõ nét cho gia đình. Với 2 lồng cá, gia đình anh luôn duy trì nuôi khoảng 800 con, chủ yếu là cá trắm vì theo anh loại cá này dễ nuôi và có giá trị cao. Do cá được nuôi bằng thức ăn tự nhiên, nguồn nước sạch nên thịt cá thơm, dai, được khách hàng ưa chuộng. Giá cả thì tùy theo trọng lượng. Cá nặng dưới 2 kg có giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, cá có trọng lượng từ 3kg trở lên được bán với giá 120.000 đồng/kg.
Anh Lương Văn Nghi chia sẻ thêm: “Nuôi cá lồng không những tăng thêm thu nhập cho gia đình mà đó còn là niềm vui. Thời gian gần đây, khách du lịch trên sông Giăng thường ghé thăm lồng nuôi cá của gia đình, trong đó có cả khách nước ngoài và họ tỏ ra rất thích thú. Tôi hy vọng sắp tới nhiều hộ dân sẽ phát triển thêm mô hình nuôi cá lồng trên sông Giăng để góp phần phát triển ngành du lịch của huyện nhà”.
Nuôi cá lồng kết hợp với du lịch sinh thái mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương trong phát triển kinh tế. |
Toàn xã Môn Sơn hiện có 13 hộ nuôi cá với số lượng 18 lồng, chủ yếu các loại cá: trắm, bọp. Sự phát triển của mô hình nuôi cá lồng trên sông không chỉ tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà còn gia tăng sức hút về du lịch.
Ông Lương Đình Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: “Hiện nay ngành du lịch ở xã Môn Sơn đang được quan tâm đầu tư. Vì thế, cùng với các loại hình khác thì với nghề nuôi cá lồng sông Giăng không chỉ để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho du khách mà đang được chính quyền địa phương hỗ trợ, khuyến khích xây dựng thành sản phẩm du lịch. Xã đang khuyến khích người dân đưa vào nuôi thử nghiệm các giống cá đặc sản khác để tạo sự đa dạng cho sản phẩm”.
Cá nuôi lồng trên sông Giăng mang đến hương vị tự nhiên đặc trưng, hút khách du lịch. |
Hiện nay, tổng diện tích để huyện Con Cuông phát triển nguồn lợi về thủy sản là 114,6ha. Trong đó có hai con sông lớn: sông Lam và sông Giăng, cùng 31 khe suối lớn nhỏ như: Khe Choăng, Khe Thơi, suối Khe Kèm, suối Tạ Bó..., 11 hồ đập chứa nước. Xác định sản xuất thủy sản là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, huyện Con Cuông đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 đến 2020”. Mục tiêu của đề án là bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện nhằm khôi phục và tái tạo các loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân./.
Minh Hạnh – Bá Hậu