Thị trường

Quỳnh Lưu: Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm muối phơi cát truyền thống

13:19, 09/03/2020
Quỳnh Lưu là huyện có vựa muối lớn nhất tỉnh. Để hạt muối thô xứ Quỳnh nâng cao sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng ở thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài thì các cấp, các ngành địa phương đang hướng đến một ngành sản xuất diêm nghiệp sạch, tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Với việc được UBND tỉnh quyết định công nhận 4 làng nghề sản xuất muối ở tại các xã: Quỳnh Yên, An Hòa, Quỳnh Thuận và Quỳnh Nghĩa trong năm 2019 đã tạo bước đà quan trọng để ngành diêm nghiệp của Quỳnh Lưu sang một bước tiến mới. Hiện tại, bà con diêm dân đang rất phấn khởi, yên tâm bám nghề với quyết tâm tạo ra hạt muối trắng, đẹp, sạch. 

 
 Quỳnh Lưu là huyện có vựa muối lớn nhất tỉnh với diện tích 600 ha.

Ông Bùi Xuân Điệp ở xóm Tân Thắng, xã An Hòa cho biết: Để góp phần đưa làng nghề phát triển và có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm muối ở các tỉnh khác, gia đình cũng như các hộ dân khác đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng muối, xây dựng mới kho chứa muối đảm bảo, cải tạo lại chạt lọc, bổ sung thêm cát mới trên sân phơi để đảm bảo độ mặn.

 
Quỳnh Lưu hiện đang hướng tới sản xuất ngành diêm nghiệp sạch. 

Sau khi được công nhận làng nghề, HTX diêm nghiệp Thắng Lợi, xã An Hòa được Nhà nước đầu tư 2km đường giao thông cấp phối nội đồng, 1km mương tưới tiêu với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Hiện UBND xã đang chỉ đạo ban quản lý làng nghề tiếp cận với công nghệ tự sản xuất và tự chế biến muối I-ốt. Được sự hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng của Chi cục phát triển nông thôn, HTX sẽ tiến hành mua máy chế biến muối tinh. Thời điểm này, HTX đang tích cực khảo sát chọn địa điểm làm kho xưởng, để lắp đặt máy móc. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân lắp đặt chạt lọc cải tiến để đảm bảo hoàn thành 100% diện tích trong thời gian sớm nhất. 

 
Các địa phương đang vận động nhân dân tăng diện tích trãi bạt nhựa trên ô kết tinh để tạo ra sản phẩm sạch. 

Muối chính vụ trong năm đang đến gần, Ban quản lý làng nghề đã liên kết với các doanh nghiệp chế biến muối ở tỉnh Nam Định nhằm tiêu thụ muối ổn định cho bà con; đồng thời đề xuất lên cấp trên hỗ trợ về kinh phí cho HTX xây dựng kho muối tập trung cũng như kho lưu trữ muối cho các hộ gia đình; Tìm hướng liên doanh liên kết các công ty nước ngoài để xuất khẩu muối sạch, tăng giá trị sản phẩm.

“Sau khi có làng nghề thì việc định hướng sản xuất dễ dàng, thuận lợi hơn. Cùng với đó, xã rất chú trọng đến công tác củng cố thương hiệu và quảng bá sản phấm muối phơi cát trên trang web của địa phương để đông đảo mọi người biết đến”, ông Nguyễn Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết thêm.

 
Bà con tiến hành thu hoạch sớm khi vẫn còn ít nước trên mỗi ô. Việc này sẽ giúp khi hòa muối trong nước sẽ không có cặn bẩn.  

Trong bối cảnh thị trường đa dạng như hiện nay, các địa phương cũng khuyến khích nhân dân sản xuất các sản phẩm mới như muối ớt, muối tôm; đầu tư kinh phí nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối gồm hệ thống kênh cấp thoát nước, cải tiến ô phơi, sân, nề; chỉ đạo các hội dân tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng thương hiệu muối sạch Quỳnh Lưu. Nhờ đó, sản lượng muối năm ngoái của toàn huyện đạt 52.000 tấn trên kế hoạch 41.000 tấn, vượt kế hoạch và tăng gần 27% so với năm 2018. 

 
Sản phẩm muối phơi cát của Quỳnh Lưu đang từng bước khẳng định được chất lượng. 

Trao đổi thêm về các chính sách hỗ trợ cho ngành diêm nghiệp, ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh thì đã có chính sách hỗ trợ 50% chi phí cho các làng nghề ở huyện Quỳnh Lưu mua máy móc, thiết bị trong khâu chế biến muối, liên kết sản xuất. Về phía huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn đào tạo nghề cho lao động làm muối và tiến hành làm hệ thống giao thông thủy lợi đồng muối đồng bộ. Trong năm 2020, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng thêm các làng nghề, phấn đấu được UBND tỉnh công nhận từ 2 – 3 làng nghề.
 

Hồng Diện

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện