Kinh tế

Chè công nghiệp: Cây trồng mũi nhọn ở các xã miền núi huyện Anh Sơn

13:03, 12/05/2022
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, lựa chọn cây chè công nghiệp làm cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nên những năm gần đây đời sống của bà con nông dân ở các xã miền núi trên địa bàn huyện Anh Sơn đã được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, bà con nông dân đang nâng cao chất lượng sản phẩm chè để khẳng định thương hiệu chè trên thị trường. 

Bản Cẩm Hòa xã Cẩm Sơn có 100% đồng bào dân tộc Thái nằm ở phía tả ngạn Sông Lam từ chỗ thu nhập chủ yếu từ khai thác rừng, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn nay đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định nhờ cây chè. Đang chăm sóc diện tích chè vừa cắt lứa thứ 3 trong năm, ông Lữ Văn Thiện chia sẻ: "Hơn 5 năm nay, nhờ có chính sách hỗ trợ của nhà nước, bà con trong bản được cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật để đưa cây chè vào trồng thay thế cho các cây nông nghiệp ngắn ngày, không mang lại hiệu quả trước đó, từ đó đã làm đổi thay cuộc sống bà con nơi đây".

Ban đầu gia đình ông Thiện chỉ trồng vài sào chè nhưng nhận thấy hiệu quả nên đã mở rộng hết diện tích đất của gia đình. Với diện tích 1,5 ha mỗi năm thu hoạch 7-8 lứa, sau khi trừ chi phí cho gia đình ông Thiện thu về hơn 150 triệu đồng. Cây chè không những làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi, bà con bản Cẩm Hòa mà còn giúp bà con thay đổi  tư duy, cách nghĩ, cách làm, ông Thiện cho hay. 

Cây chè công nghiệp là cây trồng chủ lực làm đổi thay đời sống bà con nhân dân bản Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn.

“Nhờ chè mà hết nghèo”- cụm từ ấy thường được người dân bản Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn nói mỗi khi có dịp ngồi hàn huyên, trò chuyện. Theo ông Lang Văn Thám trưởng bản Cẩm Hòa cho biết: Được đưa về trồng thử nghiệm từ năm 2005, lúc đầu mới chỉ vài hộ giám trồng thử nhưng đến nay qua hơn 15 năm, cây chè đã dần khẳng định được ưu thế của mình, là cây chủ lực giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhiều gia đình trở nên khá giả. Hiện nay bản có 147 hộ thì có tới hơn 100 hộ tham gia trồng chè. Hộ ít có 0,5 ha, hộ nhiều có từ 3-4 ha chè đang cho thu hoạch. Qua thực tế trồng cây chè rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, dễ chăm sóc và chi phí đầu tư ít. Bằng phương pháp trồng giâm cành, chỉ sau 2-3 năm là có thể thu hoạch. Mỗi năm chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch 8 lứa, mỗi lứa cách nhau từ 30 - 45 ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất chè càng cao, năng suất đạt trung bình khoảng 4 - 5 tấn/ha, sẽ cho thu nhập lãi ròng từ 70- 80 triệu đồng/ha/năm.     

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn trao đổi: "Địa phương hiện có hơn 340 ha chè công nghiệp; trong đó tập trung chủ yếu ở 5 bản đồng bào dân tộc Thái với gần 200 ha, riêng bản Cẩm Hòa có 116 ha; các bản Nhân Tài, Kẻ May, Cẩm Lợi gần 80 ha. Đối với xã thuần nông như Cẩm Sơn thì hiện nay cây chè công nghiệp là cây trồng chủ lực mà mang lại nền kinh tế ổn định, thậm chí có những hộ có mức thu nhập cao. Để giúp người dân đạt hiệu quả cao nhất từ trồng chè, bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ về phân bón, giống chè; hàng năm, xã còn cử cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc Thái thực hiện các khâu kỹ thuật chăm sóc cây chè, như: Đốn, tỉa cành, vun xới, bón phân và vận động trồng bổ sung thêm diện tích mới. Trong phương hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2020- 2025, xã coi cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn để giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các bản đồng bào dân tộc".

Cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho người dân xã Bình Sơn.

Bình Sơn là một xã miền núi của huyện Anh Sơn, nằm cách trung tâm huyện gần 40 km, xã có 981 hộ, 4.157 khẩu, với 180 hộ, có 635 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số, ở 5 thôn bản. Những năm gần đây, cây chè đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại cuộc sống no ấm, ổn định cho người dân. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại, bà con nông dân xã Bình Sơn ngoài việc tích cực chăm sóc diện tích chè hiện có còn chủ động đầu tư thêm vốn, tận dụng những đồi đất còn bỏ trống để trồng mở rộng diện tích trồng chè công nghiệp, hiện nay toàn xã có hơn 120 ha. Ông Hoàng Đức Thuận, phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Để giúp người dân phát triển vùng nguyên liệu bền vững, thời gian qua xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, giá trị kinh tế trong việc phát triển và thâm canh cây chè. Ngoài cơ chế hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua xã còn trích nguồn vốn xây dựng NTM của địa phương để hỗ trợ cho bà con số tiền gần 5 triệu đồng/ha, từ đó nâng mức bình quân tất cả các nguồn hỗ trợ cho 1 ha chè trên 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, địa phương đã phối hợp với trung tâm GDNN-GDTX huyện mở được 3 lớp đào tạo nghề trồng chè cho hơn 100 bà con nông dân trồng chè.

Những năm gần đây đời sống của bà con nông dân ở các xã miền núi trên địa bàn huyện Anh Sơn đã được nâng lên rõ rệt nhờ cây chè công nghiệp.

 

Toàn huyện Anh Sơn hiện có hơn 2.200 ha chè công nghiệp, trong đó có hơn 300 ha chè trồng mới còn lại là chè đã cho thu hoạch. Để cây chè thực sự là cây mũi nhọn giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nhất là tại các xã khó khăn của huyện, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển cây chè. Trong nhiệm kỳ qua, HĐND huyện cũng có nghị quyết 64 về một số cơ chế chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 -2020, cụ thể hỗ trợ trồng mới chè cho đồng bào dân tộc thiểu số 5 triệu đồng/ha trồng mới. Với nghị quyết 64 của HĐND huyện bà con vùng khó khăn, vùng  đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ nguồn kinh phí gần 1 tỷ đồng. Huyện Anh Sơn cũng đã ban hành đề án phát triển cây chè, cây mía, cây sắn trên địa bàn huyện Anh Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Trong đó định hướng tập trung mở rộng phát triển sản xuất chè các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Đức Sơn và xã Phúc Sơn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trên địa bàn. Quy mô diện tích đến năm 2025 đạt 2.990 ha (diện tích kinh doanh 2.450 ha), sản lượng đạt 39.200 tấn; định hướng đến 2030, ổn định diện tích khoảng 3.330 ha (diện tích kinh doanh 3.000ha), tập trung tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chè.    

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện