9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An năm 2023

17:19, 07/12/2022
Năm 2023 là năm bản lề, năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh Nghệ An. Trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn cảnh kỳ họp.
Toàn cảnh kỳ họp.

Kế hoạch năm 2023 đề ra gồm 28 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%, thu ngân sách 15.857 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 56-57 triệu đồng; Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 106.000 tỷ đồng; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,0-1,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 69%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 93%; Có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 88%; Tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch: đối với đô thị loại 4 trở lên là 75%, đô thị loại 5 là 90%;...

Đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tại kỳ họp.

Để thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, UBND tỉnh đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với rà soát, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ. Đặc biệt, tập trung một số nội dung trọng tâm như phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương hoàn thành công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; tập trung triển khai Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An (ngay sau khi được ban hành); Tổ chức công bố và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Tập trung xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; Xây dựng Đề án điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đông Nam.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh mới phát sinh; tuyệt đối không được chủ quan, không được để bị động, bất ngờ, bảo đảm điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.  

Các đại biểu dự kỳ họp.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ một số dự án công nghiệp quy mô lớn đang triển khai đầu tư để đưa vào hoạt động trong năm 2023 nhằm tăng năng lực sản xuất mới. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao; tập trung làm mới các sản phẩm du lịch chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các điểm đến.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, lan toả phát triển. Đặc biệt là tập trung đẩy nhanh thủ tục, triển khai thực hiện 02 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh.

Chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm. Rà soát để triển khai thực hiện đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thực hiện giải pháp cơ cấu lại nguồn thu theo hướng bền vững, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất.

Các đại biểu dự kỳ họp.

Chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội; Quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách theo đúng các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước đã đề ra; thúc đẩy tiến bộ trong phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao và các vấn đề xã hội khác; Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.  

Các đại biểu dự kỳ họp.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện cải cách hành chính, thực thi đạo đức công vụ ở các cấp, các ngành. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên nắm bắt thông tin và kiến nghị từ cơ sở để có phương án, biện pháp xử lý kịp thời. Quan tâm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của HĐND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cũng nhấn mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đề ra là rất nặng nề, trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường. UBND tỉnh sẽ bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, điều hành các ngành, các địa phương và các đơn vị triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau khi được HĐND tỉnh thông qua.

Hiến Chương - Thuỳ Dương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện