Gia đình anh Lê Sơn ở làng Dừa, xã Nghĩa Yên là một trong những hộ tiên phong. Trên diện tích 6 ha trước đây trồng mía và màu kém hiệu quả, anh Sơn đã chuyển đổi 2 ha sang trồng đàn hương từ năm 2019. Chỉ sau 1 năm, cây phát triển tốt. Nhận thấy tiềm năng, đến nay anh Sơn đã mở rộng diện tích đàn hương lên toàn bộ 6 ha.
![]() |
Huyện Nghĩa Đàn có tổng diện tích trồng đàn hương khoảng 50ha. |
Đàn hương là cây gỗ bán ký sinh, có thể trồng xen với các loại cây khác để làm cây ký chủ – nguồn cung cấp chất vi lượng mà bản thân đàn hương không tự tổng hợp được. Nhờ đặc điểm này, người trồng có thể áp dụng mô hình xen canh để vừa nuôi cây dài hạn, vừa có thêm nguồn thu từ cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả.
“Cây giống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, còn việc trồng và chăm sóc không quá phức tạp,” anh Sơn chia sẻ. “Quan trọng là chọn cây ký chủ phù hợp, giúp đàn hương hấp thu đủ dưỡng chất để sớm hình thành lõi gỗ – phần mang lại giá trị kinh tế cao nhất.”
![]() |
Các cây trồng đều được cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc. |
Theo kinh nghiệm từ các hộ đi trước, cây ký chủ được chia theo ba giai đoạn. Ngắn hạn có thể trồng xen với đậu, lạc; trung hạn là các cây ăn quả như bưởi, bơ, ổi; còn dài hạn là keo, sưa… Trồng xen như vậy giúp lấy ngắn nuôi dài, tối ưu hóa nguồn lực chăm sóc.
Một trong những mô hình xen canh hiệu quả đang được triển khai tại xóm Hồng Bình, xã Nghĩa Hồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Biên đã quy hoạch gần 1,5 ha đất để trồng hơn 300 cây đàn hương xen với 600 gốc ổi Đài Loan. “Ổi cho thu hoạch nhanh, bán được giá. Trong khi đó, cây đàn hương phát triển tốt, không ảnh hưởng đến ổi mà còn tạo bóng râm, giúp cây ổi không bị nám lá,” bà Biên cho biết. “Mô hình này tận dụng được công chăm sóc, phân bón, phun thuốc chung, hiệu quả gấp 2–3 lần so với trồng cam, quýt.”
![]() |
Bà Nguyễn Thị Biên xóm Hồng Bình xã Nghĩa Hồng chăm sóc vườn cây gia đình.j |
Đàn hương có thể trồng trên nhiều loại đất như cát, đỏ ba zan, sét, đá ong pha sét, thậm chí đất sỏi. Cây bám rễ sâu, ít bị sâu bệnh, chịu hạn, gió tốt. Từ năm thứ 3 có thể thu hoạch lá; từ năm thứ 4–10 thu quả (trung bình 1,5kg/cây/năm); từ năm thứ 12 trở đi thu gỗ, mỗi cây cho khoảng 20–30kg lõi (gồm lõi thân, rễ, cành).
Giá trị kinh tế từ cây đàn hương hiện nay khá cao. Lá tươi được thu mua với giá 100.000–120.000 đồng/kg, quả 150.000–200.000 đồng/kg. Riêng lõi gỗ – thành phần quý nhất – có giá từ 800–1.000 USD/kg, tùy thời điểm.
![]() |
Quả và hạt cây đàn hương có hàm lượng dầu lớn và axít đàn hương có tác dụng chống lão hóa, chiết xuất tinh dầu. |
Không chỉ mang giá trị kinh tế, cây đàn hương còn được đánh giá là “vàng xanh” bởi tính đa dụng. Gỗ dùng trong chế tác đồ mỹ nghệ, nội thất cao cấp; rễ và cành nghiền làm mỹ phẩm; lá chế biến thành trà; hạt và quả dùng chiết tinh dầu chống lão hóa…
Trước tiềm năng này, Hợp tác xã Đàn hương Nghệ An đã được thành lập, kết nối hơn 30 hộ dân với tổng diện tích trồng khoảng 50 ha tại Nghĩa Đàn và 200 ha toàn tỉnh. Các cây trồng đều được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch sản phẩm.
![]() |
Bà con nông dân tham gia tập huấn, phát triển cây đàn hương. |
Ông Nguyễn Hải Hưng – Chủ nhiệm HTX Đàn hương Nghệ An – cho biết: “Lúc đầu chỉ có 10 hộ tham gia, nay đã trên 30 thành viên. Nhiều hộ nhờ tìm hiểu kỹ thuật, thị trường nên mạnh dạn đầu tư bài bản, mô hình dần ổn định.”
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tránh đi vào “vết xe đổ” của nhiều loại cây từng rộ lên rồi thất bại vì trồng ồ ạt, người dân cần trồng đàn hương theo quy hoạch, gắn với liên kết tiêu thụ. Đặc biệt, phải gắn với doanh nghiệp bao tiêu, có đầu ra ổn định và tuân thủ kỹ thuật trồng xen, chăm sóc đúng cách để cây phát huy tối đa hiệu quả.
![]() |
Sản phẩm được chế biến từ cây đàn hương. |
Hiện nay, Nghĩa Đàn đang xem xét nhân rộng mô hình ở những vùng đất chuyển đổi, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa phát triển cây trồng có giá trị cao gắn với sản phẩm OCOP và thị trường xuất khẩu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin