Kinh tế Thứ 4 30/04/2025 03:5

Nghệ An “đánh thức” tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên biển: Từ lợi thế thiên nhiên đến hành động thực chất

16:25, 15/04/2025
Sở hữu 82km đường bờ biển, vùng nước rộng lớn cùng hệ sinh thái phong phú, Nghệ An được xem là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản biển. Tuy nhiên, để bứt phá, tỉnh cần vượt qua hàng loạt rào cản về công nghệ, vốn, con giống và quy hoạch. Trong cuộc trao đổi với PV Đài PT-TH Nghệ An, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam – đã chỉ ra các giải pháp căn cơ, từ tổ chức lại sản xuất đến chuyển đổi vật liệu và ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng thủy sản biển.

Với 82km bờ biển và diện tích vùng biển lên tới 761.000km2, cùng 6 cửa lạch lớn nhỏ, Nghệ An là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế trên biển. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược. Mục tiêu đặt ra là, đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển của tỉnh chiếm khoảng 57-60% tổng sản phẩm trên địa bàn, bình quân tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12,5-13,5%/năm. Trong đó, phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2025-2030 phải giảm tỷ trong khai thác và tăng sản lượng nuôi trồng. Để khai thác tiềm năng mặt nước vùng biển, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, Nghệ An phải làm gì để bứt phá? Cần những giải pháp nào để nâng cao giá trị kinh tế nghề nuôi trồng thủy sản trên biển? Sau đây là nội dung cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam -VSA, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thủy sản; Nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP); Nguyên Tổng biên tập các tạp chí Thương mại thủy sản; Vietfish International; ASEAN Seafood.

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.

Phóng viên: Kính chào Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng. Rất cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình phỏng vấn của Đài PT-TH Nghệ An. Có thể nói, Nghệ An có điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên, trên bản đồ nghề nuôi biển Việt Nam, thì Nghệ An vẫn chưa phải là địa phương mạnh, có nhiều dấu ấn. Thưa Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng: Rất vui khi được chia sẻ với phóng viên Đài PT-TH Nghệ An về một vấn đề mà tôi tin rằng sẽ có tác động lớn đến sự phát triển nuôi biển của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Chúng ta cũng thấy, thiên nhiên đã ban tặng cho Nghệ An một vòng cung biển dài 82 km, với diện tích vùng biển 4.239 hải lý vuông, cùng 6 cửa lạch lớn nhỏ. Nằm trong khu vực hệ cá biển Vịnh Bắc Bộ nên hầu hết các loài cá có ở vịnh đều có ở biển Nghệ An, với 267 loài cá, 20 loài tôm, trong đó có 62 loài có giá trị kinh tế cao như cá thu, chim, cá sủ vàng, cá hổ, cá bạc má....

Ngành thủy sản là một thế mạnh, với tổng sản lượng năm 2024 là 289.748,5 tấn, khai thác thủy sản 213.919 tấn (tăng 3,73%), nuôi trồng thủy sản là 75.829,5 tấn (tăng 5,57% so năm 2023). Nghệ An có lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Các đối tượng có tiềm năng phát triển nuôi biển như cá chẽm, cá chim vây vàng, cá giò, hàu Thái Bình Dương và các loại rong biển không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn có thị trường tiêu  thụ tốt. Nghệ An có những lợi thế nổi bật sau để phát triển nuôi biển:

Thứ nhất là vùng biển Nghệ An có điều kiện tự nhiên tốt, có nguồn giống tự nhiên phong phú, có môi trường trong sạch, ít bị ảnh hưởng của ô nhiễm công nghiệp.

Thứ hai, Nghệ An là địa phương ở bắc miền Trung hội tụ những cơ sở nghiên cứu, phát triển và đào tạo khoa học công nghệ nuôi biển với đội ngũ cán bộ có trình độ cao,…

Thứ ba, ngư dân có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng hải sản trên biển và đang trong quá trình chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng và học nuôi biển công nghệ cao.

Thứ tư, ngành nuôi trồng thủy sản đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.

Bên cạnh lợi thế, ngành nuôi biển ở Nghệ An vẫn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức, đó là:

Trước hết, phần lớn hoạt động nuôi biển diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu ở vùng ven bờ, với công nghệ thủ công truyền thống, vật liệu làm lồng bè nuôi chủ yếu bằng gỗ tự nhiên, độ bền thấp và không ổn định.

Thứ hai, người nuôi thiếu vốn đầu tư, rủi ro và chi phí sản xuất cao.

Thứ ba là công tác quản lý con giống chưa hiệu quả, nhất là về chất lượng và bệnh; cung ứng giống phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, tình trạng nhập lậu giống thủy sản khó kiểm soát.

Thứ tư, việc sử dụng thức ăn tươi sống gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người nuôi thường không báo cáo tình hình dịch bệnh và tự ý mua kháng sinh y tế để điều trị, gây ra hiện tượng kháng kháng sinh.

Thứ năm là chưa thiết lập được chuỗi giá trị cho sản xuất nuôi biển do chưa hình thành được quan hệ hợp tác ngang và dọc, dẫn đến thị trường cung ứng đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đều không ổn định, giá cả bấp bênh, gây rủi ro cho người nuôi.

Và cuối cùng là các vùng nuôi còn chưa được quy hoạch dựa trên cơ sở khoa học. Việc giao khu vực biển cho các hộ dân nuôi biển còn khó khăn, do nhiều thủ tục hành chính phức tạp. Việc quản lý vùng nuôi gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, tài lực, trang thiết bị và phương tiện, dẫn đến tình hình môi trường và dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, chưa kể rủi ro do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Đứng trước những kỳ vọng về phát triển kinh tế biển, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 608/KH-UNND ngày 18/8/2023 thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phát triển nuôi biển và ven biển là một hướng chủ đạo, kết hợp với du lịch biển đảo và các ngành kinh tế biển khác,...

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng tại hội nghị phát triển nghề nuôi biển.
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng tại hội nghị phát triển nghề nuôi biển.

Phóng viên: Phát triển và nâng cao giá trị nghề nuôi trồng thuỷ sản trên biển chính là tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển và phát huy thế mạnh của các địa phương ven biển. Vậy, người dân và các cấp địa phương khu vực ven biển cần đầu tư những gì để nâng chuỗi giá trị ngành hàng nuôi trồng thuỷ sản biển, thưa ông? 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng: Theo tôi, Thứ nhất là phải tổ chức lại lực lượng sản xuất. Ra biển phải đi cùng nhau, chủ thể để phát triển bền vững nuôi biển không thể là hộ cá thể đơn lẻ như từ trước đến nay, mà phải là cộng đồng doanh nghiệp và HTX. Kinh tế hợp tác của các HTX sẽ là động lực chính để phát triển nuôi biển. Khu vực biển cụ thể cần được giao cho các pháp nhân kinh tế để sử dụng.

Thứ hai, phải chuyển từ việc sử dụng vật liệu truyền thống làm phao nổi, lồng bè sang các vật liệu mới, như HDPE, composit, vừa thân thiện với môi trường, vừa bảo đảm độ bền vững và an toàn phòng chống bão gió, thiên tai. Lồng bè cũng cần phải tăng dung tích để nuôi khối lượng hải sản lớn, có hiệu quả cao hơn, nghiên cứu thí điểm các công nghệ hỗ trợ như cho ăn tự động, giám sát môi trường. 

Thứ ba, phải chủ động áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển, về sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường; áp dụng các thành tựu của công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả quan trắc, cảnh báo sớm tác động môi trường và phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển; từng bước chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong các khâu của công nghệ nuôi biển.

Thứ tư, mời gọi các tập đoàn lớn và doanh nghiệp mạnh xây dựng các cụm công nghiệp nuôi biển (CCNNB), đầu tư cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp và HTX nuôi biển thuê lại để sản xuất, đồng thời tổ chức các khâu cung ứng-tiêu thụ chuyên nghiệp, giải quyết các vấn đề về môi trường, vốn, dịch vụ và kỹ thuật để phát triển nuôi biển ra xa bờ. Đây chính là giải pháp đột phá, mang tính cách mạng, để đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa quy mô lớn, với doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn ngành thủy sản.

Thứ năm, cần chủ động tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, từ con giống, vật tư đầu vào, đến nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thứ sáu, người nuôi cần chủ động kết hợp nuôi biển với các mô hình du lịch trải nghiệm để tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Nghệ An có nhiều bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội; Nghi Thiết, Bãi Lữ (Nghi Lộc), Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) Quỳnh Phương (Hoàng Mai), Diễn Thành (Diễn Châu), có 200 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, là miền đất hứa, là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách. Vì vậy, phát triển nuôi biển phải phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với phát triển du lịch biển đảo.

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng tại hội thảo nuôi cá biển
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng tại hội thảo nuôi cá biển

Phóng viên: Trong xu thế và chiến lược PT kinh tế biển trong thời gian tới, nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ là trọng tâm để khai tác tối đa tiềm năng to lớn từ biển. Theo quan điểm của ông, Nghệ An nên có những giải pháp nào để phát huy thế mạnh này?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng: Phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 21/10/2024, Tổng bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Thể chế đang là điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn”. Ngành công nghiệp nuôi biển nước ta đang vướng 8 điểm nghẽn về thể chế. Để khắc phục những khó khăn và phát triển bền vững ngành nuôi biển ở Nghệ An, trước hết cần có giải pháp tháo gỡ sớm những điểm nghẽn sau đây:

1. Về quy hoạch: Theo Luật Thủy sản, các dự án nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng được quy cho hoạch cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Không có quy hoạch biển chi tiết, không thể giao được các khu vực biển cụ thể cho người nuôi. Nghệ An cần điều chỉnh và tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển theo tư duy mới, đồng thời phối hợp chặt chẽ các ngành kinh tế biển khác để có thể tận dụng và phát huy thế mạnh tổng thể đa ngành, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng không gian biển.

2. Về thủ tục giao khu vực biển lâu dài cho dân: Hiện nay thủ tục giao quyền sử dụng khu vực biển được quy định theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP, với nhiều thủ tục chồng chéo, rất phiền phức, tốn thời gian của các tổ chức, cá nhân nuôi biển. Với việc sáp nhập ngành Nông nghiệp và Tài nguyên - Môi trường, Nghệ An cần chủ động giao 1 cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thủ tục giao biển cho dân, không để dân phải lặn lội đi xin ý kiến của nhiều cơ quan Nhà nước; đơn giản hóa và bãi bỏ thủ tục không cần thiết khác. Nghệ An cần đề nghị Chính phủ xây dựng một Nghị định xác lập quyền tài sản của quyền sử dụng lâu dài khu vực biển được giao để nuôi biển, tạo căn cứ pháp lý cho việc mua bảo hiểm, vay vốn ngân hàng, đấu giá, chuyển nhượng hay thừa kế. Kiến nghị với Nhà nước cấp “Sổ Xanh” xác nhận quyền sử dụng khu vực biển lâu dài cho các tổ chức, cá nhân được giao biển, tương tự như “Sổ Đỏ” đối với đất. Sổ Xanh sẽ trở thành tài sản có giá trị, có thể giúp nuôi biển dễ xoay trở hơn về nhu cầu tài chính.

3. Về xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn nuôi biển: Trong khi chưa có các tiêu chuẩn Việt Nam và quy chuẩn quốc gia, Nghệ An cần chủ động xây dựng và ban hành các quy chuẩn địa phương về lĩnh vực nuôi biển, làm cơ sở pháp lý kỹ thuật cho quản lý Nhà nước và cho nhân dân phát triển nuôi biển công nghiệp ngay trong năm 2025 – 2026.

4. Về đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển: Trong tình hình chưa có cơ quan Nhà nước nào được phân công chịu trách nhiệm đăng ký, đăng kiểm cho cơ sở, phương tiện nuôi trên biển, Nghệ An cần giao cho một cơ quan kỹ thuật chịu trách nhiệm đăng kiểm cho nhóm đối tượng này. Cơ quan đó cần khẩn trương xây dựng và ban hành các thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho các cơ sở nuôi biển, phương tiện nuôi trên biển.

5. Về bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển: Sau khi được đăng ký, đăng kiểm, chứng nhận đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, Nghệ An cần hướng dẫn cho chủ các cơ sở và phương tiện nuôi biển, cũng như các cơ sở và phương tiện dịch vụ nuôi trên biển mua bảo hiểm cho người, tài sản và vật nuôi. Trước mắt, cần thí điểm mua bảo hiểm chỉ số bão của Công ty Hillrige Việt Nam và Tập đoàn Bảo Minh, theo đó việc bồi hoàn không đòi hỏi phải xác định thiệt hại do bão gây ra với đối tượng đã mua bảo hiểm.

6. Về đào tạo nhân lực nuôi biển: Đề nghị Nghệ An chủ động phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngư dân nuôi cá biển, theo Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Nuôi cá trên biển theo phương thức công nghiệp đã được Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM xây dựng. Về lâu dài, cần xây dựng chính sách hỗ trợ thường xuyên cho sự đào tạo nguồn nhân lực nuôi biển công nghiệp.

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng tại hội thảo nuôi cá biển.
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng tại hội thảo nuôi cá biển.

7. Về tín dụng cho hoạt động nuôi biển: Sau khi được cấp “Sổ Xanh” xác nhận quyền sử dụng đủ dài với khu vực biển được giao, Nghệ An cần động viên và tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng mở tín dụng cho doanh nghiệp và các hợp tác xã nuôi biển công nghiệp, đồng thời bổ sung cơ chế địa phương hỗ trợ tài chính cho các đơn vị trực tiếp thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, được ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Về chính sách hỗ trợ nuôi biển: Cần thay đổi chính sách hỗ trợ ngư dân nuôi biển, thay vì hỗ trợ tài chính, cần hỗ trợ ngư dân bằng việc giao quyền sử dụng khu vực biển lâu dài, đồng thời thiết lập các quy chuẩn kỹ thuật mà họ phải thực hiện, song song với ban hành chế tài kiểm soát việc thực hiện. Nghệ An nên đề nghị Bộ Nông nghiệp & Môi trường xây dựng trình Chính phủ một Nghị định mới thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP, bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển. Trong đó có các chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư dành cho tổ chức, cá nhân đầu tư mới cơ sở nuôi biển, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển; Chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn cho lao động làm việc tại cơ sở; Bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với tài sản của cơ sở nuôi biển; Bảo hiểm rủi ro đối với thủy sản nuôi tại các cơ sở nuôi biển.

Tôi tin rằng với sự quan tâm của nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, ngành nuôi biển Nghệ An sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai. Chúng ta sẽ xây dựng được một ngành nuôi biển hiện đại, bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường, tính đa dạng ổn định của các hệ sinh thái biển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng!

NTV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện