Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tôm hùm đỏ là loài ngoại lai, phải ngăn chặn phát tán ra môi trường

07:47, 21/05/2019
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôm hùm đỏ là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, xâm hại và có thể là nguồn gây bệnh cho các sinh vật khác.

Trong thời gian trở lại đây, loại tôm hùm đỏ (hay còn gọi là tôm hùm đất, tôm càng đỏ) bất ngờ gây sốt trên thị trường, được nhiều người đặt mua về ăn vì lạ và giá cả dao động từ 200.000 - 350.000 đồng/kg.

Được biết đây là loại tôm hùm tươi sống nhập từ Trung Quốc về và được đóng vào thùng xốp trọng lượng 20kg/thùng.

Tôm hùm đỏ.
Tôm hùm đỏ.

Mới đây, tại công văn hoả tốc số 3438, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Theo Bộ NN&PTNT thì đây là loài tôm không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải tiến hành khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ - sinh vật ngoại lai xâm hại này.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ này đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.

Trả lời phóng viên, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Loại tôm này được nuôi trồng rất nhiều từ Trung Quốc và đi theo đường nhập lậu về nước ta. Hiện tại không có trong danh mục và không được phép mua bán, kinh doanh tại Việt Nam. Khi phát hiện tôm càng đỏ phát tán ra ngoài môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ theo quy định của pháp luật. Giống như trường hợp cuối năm 2016 tại Đồng Tháp, chúng ta phải bao vây tiêu diệt và xử phạt, phun thuốc diệt trùng, đảm bảo không có con nào còn sống ở môi trường bên ngoài”.

Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm.

Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Luật đa dạng sinh học năm 2008 được quy định rõ tại Mục 3 về kiểm soát loại ngoại lai xâm hại.

Điều 50. Điều tra và lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại

1. Loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra để lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ, cơ quan ngang bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định loài ngoại lai xâm hại, thẩm định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

Điều 51. Kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai

1. Cơ quan hải quan chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập của loài ngoại lai từ bên ngoài để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Điều 52. Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại

1. Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.

2. Việc nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai trong khu bảo tồn chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học của khu bảo tồn và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai.

Điều 53. Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại

1. Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các chương trình cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực phân bố, lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại địa phương.

3. Tổ chức, cá nhân phát hiện loài ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất. Sau khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo với cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp kiểm soát.

Điều 54. Công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công khai Danh mục loài ngoại lai xâm hại, thông tin về khu vực phân bố, mức độ xâm hại của loài ngoại lai xâm hại trên trang thông tin điện tử của mình.

2. Cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu có trách nhiệm niêm yết Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại cửa khẩu.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin, tuyên truyền về  loài ngoại lai xâm hại và biện pháp kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại

Theo VOV