Pháp luật

Giả fanpage Cục An ninh mạng, công ty luật để lừa đảo

09:38, 17/02/2024
Tin tưởng là đang tương tác với Cục An ninh mạng, luật sư, chuyên gia... nên nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã bị lừa đảo “kép”.

Thời gian gần đây, xuất hiện thủ đoạn giả danh công ty luật, cơ quan chức năng hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị lừa đảo bởi thủ đoạn này.

Thủ đoạn của các kẻ lừa đảo

Trước khi tìm kiếm “con mồi”, các kẻ lừa đảo tạo lập các trang facebook cá nhân, fanpage và nhóm trên mạng xã hội giả mạo công ty luật, cơ quan chức năng. Để tạo niềm tin của nạn nhân đối với các trang mạng xã hội này, các kẻ lừa đảo tự giới thiệu, mô tả là văn phòng luật sư, trang fanpage của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an. 

Các trang giả danh Cục An ninh mạng, công ty luật lừa đảo người dân.

Để tìm kiếm “con mồi”, các kẻ lừa đảo chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội với những lời quảng cáo đầy hứa hẹn, đánh trúng vào tâm lý của nạn nhân vừa bị lừa đảo như: “Nếu bạn biết mình đã bị lừa đảo, hãy nhanh tay lấy bằng chứng và liên hệ ngay với chúng tôi. Chúng tôi sẽ có nhân viên sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp”, “Làm sao để lấy lại được tiền bị giam trên sàn điện tử?… Cam kết thu hồi, lấy lại số tiền gốc trên hệ thống mà anh chị đã bỏ ra, cam kết lấy lại tiền với chi phí hợp lý và thanh toán sau khi nhận được tiền”, “Đã có 16.689 nạn nhân thu hồi thành công”…

Sau khi nạn nhân tương tác, các kẻ lừa đảo tự xưng là luật sư, chuyên gia, cán bộ có nhiều kinh nghiệm và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho người dân bị lừa trước đó. Đồng thời, các kẻ lừa đảo tự nhận sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.

Sau khi chiếm được niềm tin từ nạn nhân, các kẻ lừa đảo yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa. Sau đó, nhóm lừa đảo làm giả hình ảnh với thông tin bao gồm họ tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng.

Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân được yêu cầu chuyển khoản từ 3 - 5 triệu đồng vào "hệ thống" với lý do cần xác minh thông tin ngân hàng. Do tin tưởng vào chuyên gia, cán bộ dày dạn kinh nghiệm nên nạn nhân đã chuyển tiền cho các kẻ lừa đảo mà không chút do dự. 

Những kẻ lừa đảo giả mạo fanpage Cục An ninh mạng.

Tiếp đó, nếu không tỉnh táo, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào “ma trận” lừa đảo với nhiều lý do yêu cầu chuyển khoản tiếp theo và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Bằng thủ đoạn này, các kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt của chị N.T.N (39 tuổi, trú thị xã Đức Phổ) hơn 100 triệu đồng. Trước đó, chị N đã bị các kẻ lừa đảo khác lừa đảo hơn 200 triệu đồng dưới hình thức đầu tư chứng khoán qua mạng.

Tỉnh táo để không bị mắc bẫy

Các kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý của người dân muốn mau chóng lấy lại số tiền đã bị lừa qua mạng trước đó với chi phí hợp lý, thanh toán sau khi nhận được tiền để lừa đảo.

Việc lấy lại số tiền bị lừa đảo qua mạng là điều không hề dễ dàng, hoàn toàn không có chuyện cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư, chuyên gia… sẽ hỗ trợ thu hồi, lấy lại được số tiền đã bị lừa trước đó. Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, người dân cần cảnh giác đối với các trang mạng xã hội mạo danh cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan chức năng; mọi giao dịch chuyển tiền cần xác thực đầy đủ thông tin để tránh bị lừa đảo…

“Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời”, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo.

Theo PLO

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện