Điểm mới cơ bản về giải quyết việc nuôi con nuôi
Luật Nuôi con nuôi gồm năm chương, 52 điều đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam điều chỉnh thống nhất vấn đề nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong một luật, trong đó có biện pháp bảo đảm tăng cường giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, việc cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài chỉ là biện pháp thay thế cuối cùng sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thu xếp được cho trẻ em làm con nuôi trong nước.
So với các quy định của pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi, Luật Nuôi con nuôi có điểm mới cơ bản về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi.
Khi giải quyết việc nuôi con nuôi cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đinh gốc; việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội; chỉ cho làm con người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Luật nuôi con nuôi đã quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước; điều kiện của người được nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài về căn bản là như nhau; quy định công khai, minh bạch vấn đề tài chính, tiền bạc liên quan tới quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi....
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi sẽ chủ yếu quy định hướng dẫn chi tiết về năm vấn đề lớn mà Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận năm vấn đề sẽ quy định trong nghị định về tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Điều 7 của Luật; cơ quan thu, mức thu, việc miễn giảm, chế độ quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo Điều 12 của Luật; thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới theo Điều 42 của Luật; mức thu, việc quản lý, sử dụng lệ phí và trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 43 của Luật; thủ tục đăng ký đối với trường hợp nuôi con nuôi thực tế theo Điều 50 của Luật.
Về vấn đề hỗ trợ nhân đạo nhằm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định cần quy định rõ khi thực hiện hỗ trợ nhân đạo, cá nhân/tổ chức (người hỗ trợ) không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng hoặc địa phương (tiếp nhận hỗ trợ) phải giới thiệu trẻ em để cho làm con nuôi; đồng thời cơ sở nuôi dưỡng trẻ em hoặc địa phương tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo không được giới thiệu hoặc hứa hẹn cho trẻ em làm con nuôi của người đã hỗ trợ nhân đạo.
Đối với quy định thủ tục đăng ký với trường hợp nuôi con nuôi thực tế, đây là vấn đề mới xuất phát từ tình hình thực tế tại một số tỉnh phía Bắc phát sinh tình trạng công dân Việt Nam nhận trẻ em của nước láng giềng làm con nuôi mà không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh về quan hệ nuôi con nuôi.
Dự thảo nghị định cần có các quy định đơn giản về thủ tục nhằm động viên, khuyến khích người dân đi đăng ký.
(Theo TTXVN)