Tuyên phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù vì âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân
Sáng nay (16/8), Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án Lê Đình Lượng về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Lê Đình Lượng, sinh ngày 10/12/1965, trú quán tại xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngày 24/7/2017, Lê Đình Lượng bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An bắt khẩn cấp về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999.
Bị cáo Lê Đình Lượng nghe bản án luận tội tại phiên tòa. |
Trên cơ sở nội dung của vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định Lê Đình Lượng là người hoạt động đắc lực của tổ chức Việt Tân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lê Đình Lượng có hành vi lôi kéo những người là công dân Việt Nam vào tổ chức Việt Tân, phát triển tổ chức Việt Tân trên lãnh thổ Việt Nam. Lê Đình Lượng đã tham gia vào nhiều hoạt động của tổ chức Việt Tân hòng làm suy yếu, tiến tới bạo loạn lật đổ chính quyền nhân dân, chống lại chính quyền nhân dân Việt Nam. Thủ đoạn là thông qua kết nối mạng, like hoặc phản hồi, chia sẻ với các tài khoản Facebook khác với nội dung là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, từ đó tìm cách tiếp xúc, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vào tổ chức Việt Tân.
Quá trình sử dụng Facebook, Lê Đình Lượng đã theo dõi, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết tuyên tuyền cổ súy cho Việt Tân, trong đó có nhiều bài viết bình luận, ca ngợi Việt Tân, cổ vũ cho đường lối của tổ chức khủng bố Việt Tân, xuyên tạc về tình hình Việt Nam, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, môi trường để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Xét hành vi, tính chất, vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong thời gian dài, lôi kéo nhiều người tham gia, lợi dụng các vấn đề xã hội trong nước để xuyên tạc lịch sử, kích động quần chúng nhân dân, đưa tin, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hệ thống cơ quan công quyền, phá hoại tư tưởng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Bị cáo ý thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng không dừng ở đó mà còn dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia để phát triển tổ chức Việt Tân. Hành vi đó đã xâm phạm chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Vì vậy cần xử phạt nghiêm minh để cải tạo, giáo dục bị cáo và có tác dụng phòng ngừa chung.
Áp dụng khoản 1, Điều 79, Điều 38, Điều 39, Điều 92, Bộ luật Hình sự năm 1999, Hội đồng xét xử xử phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù và phạt quản chế bị cáo 5 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng khẳng định: Qua vụ án này cho thấy các thế lực thù địch nói chung, tổ chức Việt Tân nói riêng cũng như những người phạm tội thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia có những phương thức, thủ đoạn khác nhau, , nhưng dù phương thức, thủ đoạn thay đổi thì mục đích cuối cùng là lật đổ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Điều đó nhắc mọi người luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng phong trào vì an ninh Tổ quốc, không nghe theo lời xúi giục, lôi kéo, kích động, tụ tập, biểu tình của các thế lực thù địch. Làm như vậy là phản bội Tổ quốc, là xâm phạm an ninh quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước; khi phát hiện thì tích cực phối hợp, trình báo với cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Nhóm PV