Quốc phòng

Bộ đội Biên phòng Nghệ An tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

11:51, 03/12/2022
Là lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm mua bán người (TPMBN).

Khu vực biên giới đất liền tỉnh Nghệ An trải dài trên 468 km, tiếp giáp với địa bàn 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay của nước CHDCND Lào. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Hoa, Ơ Đu…), trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật của quần chúng Nhân dân nhìn chung đang còn nhiều hạn chế; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn... Đây là những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh và tiềm ẩn những diễn biến phức tạp về hoạt động của TPMBN trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, khu vực biên giới đất liền của tỉnh nói riêng.

Đối tượng Lô Văn Cầu, có hành vi mua bán người qua biên giới bị bắt trong chuyên án NA 322.

Vào đầu tháng 3/2022, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An nhận được đơn tố cáo của chị H, trú tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An về việc bản thân bị một số đối tượng lừa bán ra nước ngoài. Tiến hành điều tra, xác minh, thấy có dấu hiệu đường dây hoạt động của tội phạm mua bán người, chuyên án có bí số NA 322 đã được xác lập để đấu tranh. Các đơn vị Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Đồn Biên phòng Mường Ải và Công an huyện Kỳ Sơn tập trung điều tra làm rõ. Cơ quan chức năng nhanh chóng xác định kẻ chủ mưu trong đường dây là Kha Thị Vân, SN 1981, quê quán xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, hiện đang trốn ở nước ngoài. Đối tượng Lê Thị Ngọc, SN 1988, trú tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An là người dắt mối và Lô Văn Cầu - chú ruột của Ngọc - SN 1981, trú tại bản Chon, xã Xiêng My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là đối tượng chuyển giao nạn nhân. Qua đấu tranh, các đối tượng Lê Thị Ngọc và Lô Văn Cầu đã thừa nhận hành vi mua bán người qua biên giới. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, bàn giao đối tượng Lô Văn Cầu cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; còn đối tượng Lê Thị Ngọc, do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Đối tượng Xeo Văn Thôn, có hành vi mua bán người qua biên giới bị bắt trong chuyên án NA 922.

Vào tháng 9/2022, thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án có bí số NA 922, lực lượng Phòng PCMT&TP phối hợp với Đồn Biên phòng Keng Đu và Đồn Biên phòng Na Loi, BĐBP Nghệ An bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán người. Hai đối tượng là Xeo Văn Thôn và Moong Văn Dục, cùng trú tại bản Đồn Boọng, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Theo lời khai của các đối tượng, năm 2014, hai đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công dân đã lừa chị Moong Thị M đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, nhưng sau đó đã bán chị M với số tiền 40 triệu đồng rồi chia nhau. BĐBP Nghệ An đã bàn giao 2 đối tượng cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây chỉ là 2 trong số các chuyên án, vụ án liên quan đến mua bán người mà lực lượng BĐBP Nghệ An chủ trì phát hiện, đấu tranh, triệt xóa trong thời gian qua. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng ngừa TPMBN cho thấy, tình hình TPMBN trên địa bàn biên giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, quy mô, tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ cả trong nước và nước ngoài, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trên nhiều địa bàn khác nhau. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng mua bán người thường tổ chức thành các đường dây khép kín, có sự cấu kết chặt chẽ từ địa bàn nội địa, khu vực biên giới và ở nước ngoài; núp bóng dưới nhiều vỏ bọc, bằng nhiều chiêu thức khác nhau như môi giới xuất khẩu lao động, tuyển người đi làm trong các công ty, thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Wechat...) để tán tỉnh, hẹn hò, giả vờ yêu đương hoặc qua người thân để tiếp cận, rủ rê... sau đó lừa bán ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các đối tượng còn tìm cách dụ dỗ phụ nữ miền núi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ly thân, ly hôn... mang thai từ 6 - 8 tháng tuổi đưa sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán với giá từ 70 - 100 triệu đồng. Đặc biệt, gần đây còn nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài móc nối với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”; sau đó đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép) rồi ép buộc làm việc trong các casino, công ty đánh bạc trực tuyến, tổ chức lừa đảo sử dụng công nghệ cao... Nếu không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị phạt, thậm chí đánh đập, giam giữ; số lao động này muốn trở về Việt Nam phải ký giấy vay nợ và liên lạc cho người thân yêu cầu nộp tiền chuộc…

BĐBP Nghệ An tuyên truyền vận động đồng bào cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng PCMT&TP, BĐBP Nghệ An, cho biết: "Qua theo dõi các chuyên án, vụ án do BĐBP Nghệ An phát hiện, bắt giữ nạn nhân trong các vụ mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái độ tuổi từ 14 đến 25 tuổi. Thành phần của loại tội phạm này cũng hết sức đa dạng, từ đối tượng có tiền án, tiền sự đến công dân có nhân thân, lai lịch rõ ràng. Đặc biệt, đáng chú ý một số đối tượng trước đây là nạn nhân bị lừa bán, sau một thời gian ở nước ngoài đã có mối quan hệ với các đối tượng có nhu cầu lấy vợ Việt Nam, chủ các nhà hàng, quán bar... đã móc nối với các đối tượng ở trong nước hình thành các đường dây mua bán người hoặc tự quay trở về nơi cư trú trước đây tìm người lừa đưa ra nước ngoài để bán. Nhìn chung, các đối tượng đều có nhận thức sai lệch về pháp luật, với tuổi đời từ 25 đến 40 tuổi".

Về địa bàn, các đối tượng thường tập trung vào các vùng nông thôn, miền núi để hoạt động (chủ yếu ở các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương). Nạn nhân chủ yếu được bán sang nước ngoài hoặc các nhà hàng, quán bar, quán karaoke... thuộc vùng biển huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu tỉnh Nghệ An hoặc một số tỉnh lân cận (Thanh Hóa, Hà Tĩnh…).

Thực hiện Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 21/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch thực hiện thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người; tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp TPMBN...

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong phòng, chống tội phạm mua bán người, các đơn vị BĐBP tỉnh đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn hoạt động (đặc biệt là thủ đoạn mới hiện nay) của các đối tượng buôn người; phòng, chống di cư, xuất nhập cảnh trái phép... bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhận thức của quần chúng nhân dân như: Thông qua hệ thống loa phát thanh của địa phương bằng nhiều thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng đồng bào); hệ thống pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại các tuyến đường; phát tờ rơi, tranh ảnh; họp thôn, bản; tuyên truyền thông qua mạng xã hội... Năm 2022, BĐBP Nghệ An đã chủ động phối hợp với Cục Chính trị BĐBP, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim tài liệu “Dấu vết vụ mua bán người qua biên giới”. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân trên địa bàn khu vực biên giới, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với hoạt động của TPMBN.

BĐBP Nghệ An tặng hòm thư tố giác người xuất nhập cảnh trái phép cho các thôn bản nhằm cảnh báo, ngăn ngừa tội phạm mua bán người qua biên giới...

Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP Nghệ An còn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, từng bước củng cố hệ thống chính trị cơ sở, góp phần hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh của TPMBN.

Kết quả, năm 2022, lực lượng BĐBP Nghệ An đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, kịp thời phát hiện, điều tra, xác minh các đường dây, đối tượng liên quan để xác lập các chuyên án, xây dựng kế hoạch đấu tranh triệt xóa. Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, kiên trì bám nắm, theo dõi các đối tượng trong các đường dây buôn người, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo xác lập, đấu tranh thành công 02 chuyên án, bắt 03 đối tượng, tiếp nhận hỗ trợ 02 nạn nhân và phối hợp với lực lượng Công an bắt 02 vụ/03 đối tượng (trong đó có 01 chuyên án) mua bán người. 

Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Nghệ An, nhận định: Trong thời gian tới, tình hình hoạt động của các loại tội phạm nói chung, TPMBN nói riêng trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng, ngừa đấu tranh với TPMBN cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, của mọi người dân trong đó lực lượng chức năng (BĐBP, Công an...) giữ vai trò nòng cốt.

Phương Linh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện