“Ngôi sao màu lửa” nơi miền Tây xứ Nghệ

16:26, 03/02/2023
Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, trở lại miền Tây xứ Nghệ, đi trên Quốc lộ 48, chúng tôi thêm chộn rộn niềm vui bởi tiếng loa ngân vang giai điệu ca khúc “Nghĩa Đàn miền nhớ, miền thương”: “…Ngút ngàn cà phê, mùa cam vàng trĩu quả/Bạt ngàn cao su, xanh ngát mía chè/Đã đi qua bao tháng ngày gian khó…”. Trong sự vươn mình của huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa hôm nay luôn có bóng dáng những người lính “Hai Linh Sáu”. Những người lính của Lữ đoàn anh hùng, trên tháp pháo xe tăng luôn ngời sáng “một ngôi sao màu lửa”.

Truyền thống - mạch nguồn chảy mãi

Bước chân vào cổng Lữ đoàn, tôi thấy ngày hiện vật làm nức lòng người - Chiếc xe tăng hùng dũng tiến về trước, hình tượng đã làm nên chiến thắng vẻ vang của Quân dân ta. Đó là hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu sự cáo chung của ngụy quyền Sài Gòn và thời khắc thống nhất đất nước. Trên gương mặt cán bộ, chiến sĩ rạng ngời niềm vui năm mới, vì thế, câu chuyện với những người lính tăng về quá khứ và hiện tại cứ kéo dài mãi.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nghệ An năm 2022.

Đã nhiều lần tôi cùng những “chiến binh thép” dũng mãnh băng qua các mỏm đồi, đập tràn, khe suối trong các cuộc diễn tập. Trên địa hình cơ động hiểm trở, thế nhưng hành động của các kíp xe rất nhịp nhàng; trên từng mũi, từng hướng, hỏa lực chính xác gần như tuyệt đối. Đại tá Lê Hữu Thanh, Lữ đoàn trưởng khẳng định: “Để có hiệu suất chính xác đó, phải huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nghệ An năm 2022.

Với Đại tá Nguyễn Đức Tùng, Chính ủy Lữ đoàn thì “đồng đội” và “đoàn kết” là hai từ thiêng liêng, cao quý của người chiến sĩ nhưng với lính tăng thì nó lại càng đặc biệt hơn. “Đồng đội” vừa quen thuộc, lại rất đỗi bình dị, gần gũi, còn “đoàn kết” sẽ đạt hiệu suất chiến đấu cao như lời anh Thanh nói. Sự đặc biệt đó xuất phát từ biên chế mỗi kíp xe tăng có 5 thành viên, “năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “đã lên xe ấy là cùng một hướng”… Giờ đây có thể xe tăng hiện đại hơn, kíp xe không còn biên chế 5 người nữa nhưng truyền thống ấy, tinh thần ấy vẫn còn mãi. Tình cảm vì thế mà gắn kết hơn trong ngôi nhà “thép”, tạo nên sức mạnh “đã ra quân là đánh thắng”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nghệ An năm 2022.

Thế là “Ngôi nhà chung Hai Linh Sáu” ấy cũng đã thấm thoắt 50 mùa Xuân. Sự ra đời, phát triển của Trung đoàn 206 ngày ấy, Lữ đoàn 206 ngày nay, tình đồng đội, nghĩa quân dân suốt 50 năm qua là cả một câu chuyện dài mà các thế hệ lính tăng đều thuộc nằm lòng. Trung tá Bùi Hữu Giám, nguyên Trung đoàn trưởng giai đoạn 1985-1991, nay đã tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi khi gặp lại đồng đội, ông vui lắm, hào sảng nói: “Lữ đoàn 206 mang trong mình truyền thống “Đột kích táo bạo, đã ra quân là đánh thắng”, lại ra đời trên đất Tổ Hùng Vương; xây dựng, chiến đấu, trưởng thành trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Đó là vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề nhưng rất đỗi tự hào của đơn vị”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nghệ An năm 2022.

Và không phải ngẫu nhiên mà bộ đội “Hai Linh Sáu” có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Phủ Quỳ. Lúc hoạn nạn, đơn vị luôn có mặt. Còn nhớ đợt hạn hán lịch sử năm 1987-1988, cả Trung đoàn đào con mương dẫn nước dài 400m, tưới cho hơn 150 héc ta lúa mùa của huyện Nghĩa Đàn. Nắng lắm mưa nhiều, cùng năm đó là trận lũ lụt lịch sử năm 1988, nhiều hộ phải ăn rau trừ bữa. Cán bộ, chiến sĩ trích khẩu phần ăn hằng ngày được hơn 400kg gạo, hàng trăm kg thịt, cá là sản phẩm tăng gia cứu đói bà con.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nghệ An năm 2022.

Mạch nguồn đó cứ chảy mãi đến thế hệ hôm nay. Ở Lữ đoàn có không ít người con tiếp bước cha, “trở thành đồng chí, chung câu quân hành”. Trung úy Nguyễn Hữu Thao, Trợ lý Quần chúng Phòng Chính trị là một trong số đó. Anh Thao cho biết, khi về Lữ đoàn nhận công tác, anh như trở về nhà, bởi cha của anh, Đại tá Nguyễn Văn Thắng, nguyên Phó Chính ủy Lữ đoàn đã có hàng chục năm gắn bó với đơn vị. Anh Thắng không thể ngờ những lần theo cha vào đơn vị đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành bộ đội trong con trai tự lúc nào. Tự hào là lính tăng, anh Thao luôn ghi nhớ lời cha dặn: “Phải tuyệt đối trung thành trong lập trường; gương mẫu trong lối sống; kiên trì, tỉ mỉ, khoa học trong công việc”.

Bộ đội Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 206 tích cực rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Khơi nguồn sáng tạo, không ngừng cống hiến

Trở lại câu chuyện của Trung tá Bùi Hữu Giám, tôi mới hiểu vì sao ngày nay Lữ đoàn 206 luôn nằm trong tốp đầu phong trào thi đua của ngành Hậu cần Quân khu 4. Đại tá Lê Tiến Dũng, nguyên Lữ đoàn trưởng giai đoạn 2013-2019 tự hào nói: “Thành quả trên mặt trận lao động sản xuất hôm nay đó là nhờ noi theo tấm gương Hạ sỹ Nguyễn Văn Thắng ở Đại đội 15 tăng gia, được giao nhiệm vụ lái máy cày, đã tranh thủ thời gian ban đêm cày hết diện tích đất để kịp thời vụ gieo trồng; tấm gương chiến sĩ quân y Hoàng Văn Ốc ở Đại đội 14 Công binh chỉ 6 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu tăng gia sản xuất của năm…”.

Bộ đội Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 206 tích cực rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Những người lính thợ ngày ấy, bây giờ, cũng không chịu thua kém đồng đội. Tiêu biểu thời điểm mới thành lập là những sáng kiến thu gom phế liệu làm máy nắn dòng, chuyển dòng xoay chiều sang một chiều để nạp điện vào ắc quy xe tăng và lắp ghép thành công những bình điện hỏng thành bình điện tốt của Trung đội trưởng Trần Thành ở Đại đội 11 Sửa chữa, không chỉ làm lợi cho đơn vị một số tiền lớn, mà còn khắc phục tình trạng khan hiếm phụ tùng thay thế. Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Trung đội trưởng Trần Thành và các đồng chí Đinh Văn Hán, Nguyễn Thành Tô, thế hệ hôm nay luôn đề cao chữ “Tâm” của người lính thợ khi không ngừng sáng tạo ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng thực tiễn. Nổi bật là mô hình xe tăng của Thiếu tá Hoàng Hà, Trợ lý Tác huấn đạt giải 3 Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo Quân đội…

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 206 tham gia giúp nhân dân xã Tân Hương, Tân Kỳ xây dựng nông thôn mới.

Nhắc đến Binh chủng Tăng - Thiết giáp không thể không nhắc đến Hội thao quân sự quốc tế (Army Games). Càng tự hào hơn khi Thiếu tá QNCN Lê Xuân Sáng, Nhân viên lái xe tăng của Tiểu đoàn 1, là một trong những thành viên Đội tuyển Xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam đạt Huy chương Đồng nội dung thi đấu Hóa học thuộc khuôn khổ Army Games 2022 diễn ra tại Liên bang Nga, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Anh Sáng được biết đến là người dày dạn kinh nghiệm, luôn cống hiến hết mình vì tập thể. Anh cũng là một trong những nhân tố chính góp công vào thành tích đạt giải Nhất hội thao kíp xe tăng giỏi toàn quân năm 2021.

Các đơn vị Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 206 đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống bộ đội.

Khi lịch sử khơi nguồn sáng tạo, có những con người không ngừng cống hiến thì những người lính Lữ đoàn 206 cùng với quân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ là lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh. Truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 206 - “Quả đấm thép” nơi miền Tây xứ Nghệ sẽ dày thêm những chiến công.

Mạnh Hùng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện