Biện pháp Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Mỗi ngày trên thế giới có trung bình 6.000 - 8.000 người bị nhiễm HIV. Theo các chuyên gia y tế thế giới - thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ HIV/AIDS của châu Á. Việt Nam cũng là 1 điểm nóng có thể bùng nổ đại dịch AIDS vào những năm tới, nếu người dân không cùng tham gia phòng chống hiệu quả. Hiện nay, cả nước có trên 204 nghìn người nhiễm HIV, trong đó có hơn 80 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Riêng tại Nghệ An, đến nay, đã có trên 7.000 người bị HIV và gần 3.100 người chuyển sang AIDS, trong đó số nhiễm HIV mới là 101 người, với hơn 1.700 người đã chết. Tình trạng lây HIV qua đường tình dục khác giới là con đường chủ yếu, nên phụ nữ và trẻ em sẽ là đối tượng chịu hậu quả lớn nhất của đại dịch AIDS. Tỷ lệ AIDS ở trẻ em chiếm 30% - số trẻ mồ côi dưới 10 tuổi do bố mẹ chết vì AIDS ngày càng tăng, khiến cho xã hội phải đứng trước những thử thách nặng nề. Chính vì vậy, chương trình hành động quốc gia về Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi phụ nữ mang thai có HIV nếu được phát hiện và điều trị dự phòng sớm, vào khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ thì có thể giảm được tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An cho biết, nếu người mẹ có HIV mà không được dự phòng HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ trẻ có HIV là 30-35%, nghĩa là cứ 100 trẻ sinh ra thì có 30-35 trẻ bị nhiễm HIV, nhưng nếu làm tốt công tác dự phòng thì tỷ lệ này giảm xuống ở mức 2-3%.
Hiện nay, nhiều phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm HIV chưa được trang bị những hiểu biết về sức khỏe sinh sản và những thông tin về bệnh HIV. Các hình thức tuyên truyền và dịch vụ phòng chống lây truyền cũng chưa được cung cấp rộng rãi nên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con rất cao. Vì vậy, khi mang thai, đặc biệt là khi nghi ngờ bị nhiễm HIV, phụ nữ cần sớm đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm, người mẹ phải cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh khác.
Trường hợp bà mẹ bị nhiễm HIV đã được các Trung tâm y tế điều trị dự phòng từ khi mang thai đến trước khi sinh, trẻ sinh ra sẽ tiếp tục được điều trị và được cấp sữa miễn phí trong vòng 6 tháng đầu, nhằm thay thế cho sữa mẹ. Những đứa trẻ này cũng sẽ được các bác sĩ theo dõi đến 18 tháng tuổi để khẳng định xem có bị nhiễm HIV hay không.
Đề phòng lây nhiễm HIV cho con là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các bà mẹ mang thai. Không có 1 người mẹ nào trên trái đất này lại không yêu con và không dành cho con nguyên vẹn trái tim người mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng nhất.
(Hiến Chương)