Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đối mặt với thất bại

10:17, 17/06/2010
Nhưng trải nghiệm của những người thành đạt cho thấy, chỉ khi ta coi thất bại là thử thách, dám chấp nhận thất bại với thái độ lạc quan và luôn rút được những bài học xương máu… thì người đó mới có cơ hội đi tới thành công.
 
Không có thất bại cuối cùng!

"Không hề có vấp ngã đầu tiên hay thất bại cuối cùng", đó chính là câu nói của một nhà tâm lý nổi tiếng thế giới Jeff Keller. Nhưng trong cuộc sống, không phải ai cũng hiểu được bản chất của vấn đề. Có những người chỉ cần qua vài biến cố bất hạnh hay vài lần thất bại là đã gục ngã, mất hết ý chí. Rất lâu sau đó, họ mới lấy lại được thăng bằng. Những người đó luôn ước mong đó là bất hạnh, là thất bại cuối cùng mà họ gặp phải trong cuộc đời. Nhưng chuyên gia tâm lý phân tích: Chẳng có bất hạnh nào là cuối cùng. Chỉ cần tin rằng, sau đêm đen trời sẽ lại sáng. Như vậy, bạn sẽ thấy: Thất bại hay bất hạnh nào đó cũng chỉ là một sự kiện xảy ra trong một thời điểm đó mà thôi. Nếu ta nghĩ lại những ngày đầu ta tập đi xe đạp, thường xuyên là những cú lạng choạng rồi ngã đến chảy máu, sứt sát chân tay, đau đớn lắm đối với một đứa trẻ mới chập chững vào đời. Nhưng rồi ta lại nén đau và tiếp tục leo lên chiếc xe đó, rồi lại ngã... cho đến khi giữ được thăng bằng để không bổ nhào. Khi đó, ta mới cảm thấy sung sướng và tự hào. Đó cũng chính là bài học đầu đời đầy quan trọng, bài học về sự thất bại, nếu kiên trì vượt qua sẽ gặt hái thành công.

Những người muốn thành công thực sự thì đừng sợ thất bại, hãy mạnh dạn mở lối, khai phá những con đường mới hơn là quẩn quanh theo những lối mòn dễ bước - cả trong tư duy, công việc và cuộc sống.
 

Tuy nhiên, không chỉ sự kiên trì và ý chí nghị lực của bản thân tạo nên thành công, mà bên cạnh đó còn một yếu tố quan trọng không kém: Đó là sự động viên, khuyến khích từ những người xung quanh, đặc biệt từ những người thân thiết. Có nguồn động viên tinh thần thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thất bại hay tuyệt vọng, ta luôn có niềm tin để vượt qua. Trong trường hợp bạn cô đơn (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), có lẽ bạn sẽ tuyệt vọng lắm. Nhưng kể cả trong trường hợp ấy, các nhà tâm lý cho rằng, vẫn còn sức mạnh thực sự và một ý chí quật cường trong tâm thức chúng ta. Có câu chuyện cổ kể về một người rơi vào tận cùng thảm cảnh, bi thương, tuyệt vọng bởi một tổn thương ghê gớm trong cuộc sống mà bên cạnh chẳng còn ai thân thiết. Người đó đến gặp một vị thầy tu đắc đạo để xin lời khuyên, thay vì an ủi động viên như bất kỳ người nào khác thì vị thầy tu chỉ trầm ngâm nói đại ý rằng: Cậu chưa vượt qua được nỗi đau đó ư, vậy thì hãy tiếp tục buồn, đau khổ tiếp đi. Buồn và đau khổ như vậy chưa đủ đâu, đến lúc đủ thì người sẽ vượt qua được thôi. Ngẫm cho cùng, lời nói của vị thầy tu thật chí lí. Đó là quy luật tất yếu của chu kỳ tình cảm. Đến khi trải qua tận cùng của sự đau khổ rồi thì nội lực trong mỗi con người sẽ lại vùng dậy lấy lại thăng bằng cho tâm hồn.

Thất bại chỉ là thử thách

Phản ứng của một người trưởng thành khi đối mặt với một sự thay đổi ra sao, người đó có lạc quan sẵn sàng đón nhận thử thách không? Có lẽ phần lớn câu trả lời sẽ là không. Đối diện với sự thay đổi lớn nào đó, thường người ta có thái độ lẩn tránh, lo lắng bởi họ sợ phải thay đổi; hoặc họ sẽ phàn nàn không biết việc đó có ích gì hoặc viện ra mọi lý do để biện minh cho việc họ không muốn thay đổi. Thậm chí, có người sẽ tỏ ý nghi ngờ khả năng thích ứng với môi trường mới, sự thay đổi mới.
Các nhà tâm lý phân tích: Để tìm nguyên nhân tại sao một đứa trẻ 7 tuổi lại rất hào hứng khi tập xe đạp nhưng tại sao khi lớn lên nó lại trở thành một người hay lo lắng khi đối mặt với những điều mới mẻ. Và câu trả lời là bởi tâm lý sợ phải nghe những ý kiến đóng góp của người khác, sợ bị chê cười, sợ bị phê phán. Đó lại cũng chính là biểu hiện của người thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh. Thủa còn nhỏ, chúng ta vấp ngã nhiều lần và đứng dậy ngay lập tức để tập đi cho tới khi có thể giữ thăng bằng được chiếc xe hai bánh. Lúc đó, luôn có cha mẹ hoặc ông bà, người thân bên cạnh động viên, an ủi nên đứa trẻ nghĩ rằng việc ngã xe chẳng có gì là xấu cả và việc ngã xe rồi lại đứng lên tập mới giúp chúng biết đạp xe.

Những người thành đạt luôn rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học xương máu từ những thất bại trong cuộc sống. Họ hiểu rằng, đó là một phần tất yếu trên con đường dẫn đến thành công. Họ không oán trách khi đối diện với thất bại bởi họ biết chắc rằng không ai sinh ra đã thành công và suôn sẻ trong mọi chuyện. Không ai tới đích mà không có những lần vấp ngã. Sau mỗi thất bại, chúng ta sẽ có thêm những bài học xương máu cho sau này. Người đã đặt tên chính xác cho sự thất bại - là thử thách chính là vị cố chủ tịch tập đoàn Hyundai nổi tiếng Hàn Quốc- người đã gây dựng nên tập đoàn hùng mạnh từ hai bàn tay trắng. Không ít người sẽ hỏi: Vậy thất bại bao nhiêu lần thì mới đến được thành công? Câu trả lời là không có con số quy luật cụ thể nào cả...

Khi cố gắng mà vẫn chưa thành công?

Không ít trường hợp đã bác bỏ tư vấn của nhà tâm lý về sự cố gắng sau mỗi thất bại là con đường đi đến thành công. Bởi đơn giản, ai cũng muốn, đạt được những điều mình mong muốn, ước mơ, nhưng khi không đạt được đến kết quả như mong đợi hay nản lòng vì thất bại. Các nhà tâm lý khuyên: Hãy bình tĩnh nhìn lại từng bước trong quá khứ. Hãy nhìn lại xem khi đề ra mục tiêu, bạn đã có kế hoạch và phân bố thời gian hợp lý chưa. Có thể chúng ta đã hơi nóng vội chăng, bạn đã tính hết từng bước, từng giai đoạn hợp lý chưa. Sẽ không có con đường tắt nào đưa bạn đến đích, người thành công cần phải kiên trì từng bước một với những điều cần làm. Và hãy biết kiên định với mục tiêu và kiên nhẫn với bản thân. Đừng đứng núi này trông núi nọ mà chúng ta phải hiểu rõ mình muốn gì hơn ai hết. Có những người khi không đạt được mục đích thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận, nhưng điều đó chẳng những không giúp bạn đứng lên nhanh hơn mà còn khiến tình hình thêm tệ hại. Hãy giữ thái độ sống tích cực vào thời điểm đó.

Khi cố gắng mà vẫn thất bại, chúng ta nên xem lại cả yếu tố sẵn sàng về tâm lý của ta, rằng chúng ta đã thực sự mong muốn và theo đuổi hết lòng vì ước mơ đó chưa. Rồi những tác động bên ngoài có làm chúng ta nản lòng không, những người có thái độ sống tiêu cực hay kêu ca phàn nàn có ảnh hưởng đến tư tưởng của chúng ta hay không. Và quan trọng nhất, chúng ta đã thực lòng nhìn nhận, phân tích thất bại và nhìn ra những điểm yếu của mình chưa. Dũng cảm đối mặt với điều này chính là chúng ta đã nhận thức được rằng thất bại chính là thử thách, là cơ hội để học hỏi và trưởng thành hơn nữa.
 

Thất bại là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, còn việc nó xảy đến bao nhiêu lần là tùy thuộc vào hoàn cảnh, tùy thuộc vào sự cố gắng, vào ý chí nghị lực của mỗi người. Có những người thành công nhờ yếu tố may mắn nhưng sự may mắn đó không phải đến với tất cả mọi người. Quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của bản thân, chỉ khi chúng ta biết cố gắng, biết quan tâm, biết học hỏi từ xung quanh, từ những thất bại và không bỏ cuộc thì người đó sẽ thành công. Nhưng ngay cả khi đã có thành công rồi, đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ không còn thất bại nữa. Hãy tâm niệm rằng, sẽ còn những thử thách phía trước nữa.

(Theo Gia đình & Xã hội)