Hiệu quả từ một mô hình
Ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương có lẽ không ai là không biết đến nhà chị Trần Thị Lý vì nhà chị Lý có nhiều điều đặc biệt. Cách đây 7 năm, nhà chị nổi tiếng nghèo nhất làng, thậm chí là thuộc vào số hộ nghèo đói nhất của xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương. Còn bây giờ, chị Trần Thị Lý lại trở thành người phụ nữ đảm đang nhất vùng.
Có được những đổi thay này, trong thâm tâm chị không bao giờ quên ơn những cán bộ dân số, cán bộ phụ nữ của xã. Chị Tuyết dân số, chị Nguyệt cán bộ phụ nữ đều đã trở thành người thân của gia đình chị. Mà có lẽ nói đúng hơn, các chị đã trở thành người nhà của nhiều gia đình ở xã miền núi Thanh Mỹ này.
Nhớ lại ngày đầu tiên, thấy nhiều đoàn công tác của tỉnh, của huyện về xóm để tuyên truyền mô hình “lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững”. Chị Lý cũng như nhiều người khác đều không mấy quan tâm. Bởi những từ đó nghe thật khó hiểu.
Chỉ đến khi, loa truyền thanh xóm nói đến quyền lợi của thành viên tham gia, các chị mới để tâm. Nếu là thành viên sẽ được Ngân hàng CSXH xét ưu tiên vay vốn làm ăn. Chả là đối với những người phụ nữ nghèo thì được vay vốn, được hướng dẫn cách làm ăn vẫn là ưu tiên số một.
Buổi ra mắt CLB của nhóm, chị Tuyết phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã, kiêm cán bộ dân số đã đến dự. Chị em đến đăng ký cũng khá đông, trên dưới 30 người. Chị em xôn xao bàn bạc. Từ sự phân vân, rồi đến đồng tình, cả xã Thanh Mỹ đã thành lập được 6 nhóm như vậy, với tổng số gần 150 hộ gia đình đăng ký tham gia. Các hộ đều đang trong độ tuổi sinh đẻ. Từng nhóm đều xây dựng quy ước cam kết thực hiện tốt chính sách Dân số, gia đình và trẻ em, trong đó, chú trọng vào việc cam kết không sinh con thứ 3 và xây dựng gia đình hạnh phúc. UBND xã ra quyết định thành lập ban quản lý từng nhóm. Đây hầu hết là những cộng tác viên dân số, gia đình trẻ em, chi hội phụ nữ xóm, là những cán bộ nhiệt tình, có kiến thức, năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động theo mô hình nhóm.
Mỗi tháng một lần, những người phụ nữ nghèo lần đầu tiên được gặp gỡ, trao đổi với nhau. Chị Trần Thị Lý cũng như nhiều chị em khác đều rất hăng hái. Đến sinh hoạt, để còn nghe kể về nhiều thứ bệnh tưởng đơn giản nhưng vô cùng nguy hiểm của chị em, cách làm thế nào để không vỡ kế hoạch, những điều kiêng kị trong quá trình nuôi dạy con cái.v.v…. Điều mà chị Lý tâm đắc nhất chính là qua các buổi sinh hoạt này, chị đã biết cách chăm sóc và chữa một số bệnh thông thường cho hai đứa con trai của gia đình chị.
Đến sinh hoạt để còn giúp nhau làm giàu nữa, chị em được học thật sự về các quy trình chăn nuôi cũng như sản xuất. Người nhà nông lâu nay vẫn tự tin là có đủ kinh nghiệm nhưng hoá ra là chưa hiểu đến nơi đến chốn. Vì không hiểu nên nhiều chị em nuôi lứa gà nào là dịch bệnh chết hết. Đến sinh hoạt, các chị cẩn thận ghi chép, lại có sách mang về nhà. Nào là kĩ thuật nuôi ngan vịt, nuôi bò thịt, hướng dẫn phòng trị bệnh cho gia cầm, cho cá nước ngọt, làm thế nào để trồng ngô, trồng lúa đạt năng suất cao.
Sinh hoạt công tác dân số với phát triển gia đình bền vững đem lại hiệu quả cao |
Vừa học lý thuyết, các chị còn được hướng dẫn cụ thể về phương pháp thực hành. Thỉnh thoảng lại tổ chức đi tham quan và trao đổi với nhiều nhóm khác ở trong xã. Đến các nhóm khác mới thấy chị em ở đó còn tích cực hơn nhiều.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Vân, ở xóm 10. Từ chỗ chưa hề biết nuôi lợn, chị đã mạnh dạn đầu tư vốn mua 4 con lợn nái. Hai vợ chồng còn đào 2 ha ao nuôi cá. Mày mò, tìm hiểu, áp dụng các kĩ thuật chăn nuôi, chị Vân giờ đã là một nhà chăn nuôi rất mát tay. Mỗi năm nhà chị xuất bán trên 3 tấn lợn thịt, gần 2 tấn cá các loại, thu nhập trên 100 triệu đồng.
Thực hiện lời hứa ban đầu, các thành viên trong từng nhóm bắt đầu được vay vốn làm ăn.. Nhưng bây giờ nhiều chị cũng thấy lo. Được học rồi, sinh hoạt, trao đổi nhiều rồi, bây giờ mà vay vốn không biết làm ăn, thua chị kém em thì thật ngại. Mỗi chị được vay từ 5 đến 7 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi trong 3 năm. Ngoài ra, các chị còn được hướng dẫn cụ thể thêm cách sử dụng đồng vốn sao cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.
Giờ thì chị Lý cũng như hàng trăm chị em khác không còn cảnh lúng túng, lo lắng nữa. Mỗi nhà một cách làm ăn nhưng ai cũng có hiệu quả cả. Ban quản lý nhóm thông báo, sau 3 năm thực hiện, từ con số không, nay cả xã Thanh Mỹ đã có trên 300 con lợn, gần 200 con bò, gần 10 hộ đầu tư phát triển trang trại cho hiệu quả khá. Tính giá trị bằng tiền số tài sản này ước tính gần 2 tỷ đồng. Không những trả hết gốc và lãi, đến nay, 90% số gia đình chị em đã thoát nghèo, một số hộ còn vươn lên đạt mức khá giả trong xã.
Đến nay, tuy không còn duy trì hoạt động vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nữa, nhưng chị em ở 6 nhóm của Thanh Mỹ đã sáng tạo xây dựng quỹ tương trợ để giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ, thăm hỏi các gia đình thành viên gặp hoàn cảnh rủi ro. Hàng tháng, mỗi chị góp từ 5 đến 10 nghìn đồng. Số tiền này sẽ được ưu tiên cho một gia đình thành viên khó khăn nhất được vay hoặc dành để giúp đỡ cho hộ thành viên gặp rủi ro trong cuộc sống cũng như sản xuất, kinh doanh.
Bây giờ đã có cuộc sống ổn định hơn, kiên quyết không sinh thêm con thứ 3 nữa, thế nhưng đã có lần chị Lý vẫn thử hỏi nhỏ mấy chị em trong nhóm có định sinh thêm cho có con trai không. Bởi hiện nay, không còn phải lo phụ thuộc vào điều kiện vay vốn nữa. Các chị đã trả được cả gốc và lãi rồi. Thế mà thật bất ngờ, không những chị em dứt khoát nói không mà chính các ông chồng lại là người kiên quyết hơn cả. Có lẽ vì vậy mà cả xã Thanh Mỹ không có trường hợp gia đình thành viên nào vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ.
Từ chỗ ổn định về cuộc sống, không phải chật vật về bữa ăn, cơm gạo hàng ngày, giờ đây các chị có điều kiện để nuôi dạy, chăm sóc sức khoẻ cho chồng, con. Nhiều chị đã vượt qua được những mặc cảm tự ti để tham gia các hoạt động sôi nổi của xóm, của xã. Gia đình này nhìn vào những gia đình khác để tự đổi mới, hoàn thiện hơn trong cách cư xử, xây dựng gia đình đúng chuẩn mực, ngoài ra còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Từ chỗ chỉ trên 50% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá vào năm 2003, đến nay con số này đã gần 90%.
Có thể nói, bằng những hoạt động cụ thể, đáp ứng đúng nhu cầu và nguyện vọng của các gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, mô hình lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương chính là một hướng mở cho công tác Dân số ở các xã khó khăn của tỉnh Nghệ An.
(Hoa Mơ)