Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khó từ ngoài cánh đồng đến bàn ăn

07:40, 30/06/2010
Theo báo cáo từ các đoàn thanh tra kiểm tra, trong tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), tỉnh Nghệ An thanh tra kiểm tra được trên 4.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, trong đó có gần 30% không đạt yêu cầu, tuy nhiên, những sai phạm này chưa phản ánh được thực tế đáng báo động từ nguy cơ tiềm ẩn do các độc tố từ thực phẩm

 

 

Nhiều tác nhân gây hại

Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay được quy định trách nhiệm cho các ngành: từ đồng ruộng đến cổng chợ do ngành nông nghiệp quản lý, trong chợ do ngành công thương quản lý và trên bàn ăn do ngành y tế quản lý. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì tất cả các công đoạn trong chuỗi bảo đảm chất lượng thực phẩm từ nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng…đều phải đạt vệ sinh và an toàn. Nếu bất kỳ một công đoạn nào không đạt yêu cầu thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm đều có thể xảy ra, vì vậy trách nhiệm không chỉ của riêng các ngành chức năng mà các nhà khoa học, cơ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và đặc biệt là người tiêu dùng cần phải có hiểu biết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.


 Từ vườn rau đến bàn ăn, rất cần sự trung thực của người sản xuất và cả người phân phối. Ảnh: Trần Hải


Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thường xuyên về việc sử dụng không an toàn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôI, trồng trọt nông nghiệp, thủy hải sản. Thực phẩm có chứa độc tố hoặc được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe còn lưu hành trên thị trường như  nước tương có chất 3-MCPD; nước mắm có chứa u rê; hải sản tươi ướp với u rê để bảo quản; trứng gà và sữa có chứa melamine; hạt dưa, ớt bột, và bột điều nhuộm phẩm màu công nghiệp; rau, củ quả có dư lượng bảo vệ thực vật,…
 
Thực phẩm không an toàn nhiễm vi sinh độc hại (vi khuẩn, vi rus, ký sinh, nấm) là nguyên nhân chính gây nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể và sử dụng các loại hóa chất, phụ gia dùng trong nông thủy sản, thực phẩm không đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như dùng hóa chất không cho phép, hoặc hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại dùng quá hàm lượng hoặc chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản, chế biến.
 
Khó kiểm soát vì quy định chồng chéo và chưa đủ lực
 
Trong tháng hành động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An thành lập 2 đoàn kiểm tra 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của 12 huyện, thành, thị: Vùng sản xuất rau quả, nhà máy chè, sản xuất chế biến tinh bột sắn, đường, nước ép hoa quả, cà phê, cơ sở giết mổ gia súc và chợ đầu mối, các cơ sở thu gom, chế biến thủy sản… trong đó, 25 cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm, 11 cơ sở chưa đạt yêu cầu, chủ yếu về cơ sở hạ tầng, nhà xưởng như vùng rau quy hoạch gần bãi rác và khu nghĩa trang. Cơ sở giết mổ gia súc gần nơi lưu giữ động vật, hệ thống thu gom rác thải…lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn về rau quả, chè, đường, thịt, thủy sản.
 
Ông Dương Văn Hùng (Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý đầu vào vệ sinh an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, kiểm tra, giám sát qui trình và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hợp chuẩn trong khi các văn bản của ngành thủy sản, nông nghiệp quá nhiều nhưng chưa cụ thể, chi tiết, cấp quản lý phòng chưa đủ năng lực để giảI quyết, trong khi cần có một trung tâm đạt chuẩn với đầy đủ phương tiện, con dấu, tài khoản để có thể kiểm tra các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân tích vi khuẩn gây dịch tả, thuốc tăng trọng… thay vì chỉ có tính chất khuyến cáo như hiện nay, gửi mẫu đi phân tích phải 2 tháng sau mới có kết quả… ngay cả về con người cũng rất khó, ví dụ: muốn kiểm tra các lò mổ phải thức cả đêm theo giờ các lò hoạt động, muốn cấp phép hoạt động cho hàng trăm cơ sở trên địa bàn tỉnh là một việc rất khó, trong khi giấy phép chỉ có thời hạn có một năm,…”
 
Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa mới được thành lập, cơ sở vật chất hạn chế, lại thiếu nhân lực. Còn tuyến huyện, xã vẫn chưa có quy định về tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách. Trong khi nội dung và khối lượng công tác trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn, lại thực hiện chủ yếu tại cơ sở. Trang thiết bị kiểm nghiệm phục vụ công tác này vẫn còn nhiều bất cập, những xét nghiệm phức tạp phải gửi đi Hà Nội với chi phí cao, tốn kém lại mất thời gian.


 Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu thực phẩm, dụng cụ nấu ăn và người trực tiếp chế biến tại một cơ sở kinh doanh ăn uống trên đường Đốc Thiết -TP Vinh.  Ảnh: T.Hải

 

 
Ông Đào Trọng Dũng (Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm) chia sẻ: ”Công tác đảm bảo VSATTP rất khó, vì nhiều quy định chồng chéo không thống nhất. Việc xử phạt về lĩnh vực này thuộc thanh tra y tế, tuy nhiên, nhiều lúc phát hiện có sai phạm lại do ngành khác !
 
Trong tháng hành động đã thành lập 245 đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến huyện, xã, riêng tuyến huyện 18 đoàn và tuyến xã ó 226 đoàn. Tổng số 942 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được thanh tra, kiểm tra trên tổng số 1246 cơ sở, tỷ lệ đạt yêu cầu 62%. 3793 / 5722 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, tỷ lệ đạt yêu cầu 73%... những vi phạm chủ yếu là điều kiện về con người, điều kiện vệ sinh cơ sở và trang thiết bị dụng cụ.
 
Trung tâm y tế thành phố Vinh tổ chức 27 đoàn kiểm tra, thanh tra tại 110 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm/122 cơ sở, tỷ lệ 75% số cơ sở đạt tuyến xã. Dịch vụ ăn uống kiểm tra 301/572 cơ sở, tỷ lệ 87% đạt tuyến xã.
 
Ngoài ra, những quy định không phù hợp với thực tế như tuyến xã chưa đủ cán bộ và năng lực chuyên môn để khám sức khỏe, thẩm định cơ sở, cấp giấy phép theo quy định cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tuyến xã, phường.
 
Người tiêu dùng kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình 

Bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp thì thái độ và hành vi của người tiêu dùng giữ vai trò quan trọng. Họ có mặt ở khắp nơi, là người trực tiếp tiêu dùng các loại thực phẩm nên có thể phát hiện được những sản phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP. Người tiêu dùng có thể tiếp cận cơ cơ sở sản xuất, chế biến ở những nơi, những lúc mà thanh tra không thể tiếp cận. Chỉ cần có ý thức vì lợi ích của bản thân và cộng đồng, có kiến thức nhất định, có thái độ rõ ràng thì họ có thể giúp các cơ quan chức năng phát hiện một cách chính xác, kịp thời những vi phạm.
 
Người tiêu dùng nên mua và sử dụng các loại thực phẩm, rau xanh có nguồn gốc, rau, củ quả phải đúng mùa. Các loại rau quả, thực phẩm của Trung Quốc nên thận trọng vì có chất bảo quản gây hại cho sức khỏe. Không uống, mua các loại thực phẩm, thức ăn chín ở những gánh, quày hàng nhỏ lẻ không đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Các loại rau, củ, quả dễ nhiễm thuốc trừ sâu như: dưa chuột, mướp đắng, cần tây, khoai tây, nho, xà lách… cần thận trọng khi sử dụng
 
Một quy luật rất rõ ràng là nếu người tiêu dùng quay lưng với các loại rau xanh, thực phẩm nhiễm bẩn hoặc có nguy cơ nhiễm bẩn thì người sản xuất sẽ ngừng lại, vì làm ra không có người tiêu thụ, vì vậy, trước khi được các ngành chức năng ra tay bài trừ, dẹp bỏ thì chúng ta hãy tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình: nói không với rau xanh, thực phẩm không an toàn.

(Theo Báo Nghệ An)