20.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trong cả nước
Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại các địa phương |
Những ngày gần đây, dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu bùng phát mạnh và lan rộng tại khu vực các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, với hàng ngàn người mắc bệnh, trong đó đã có một số trường hợp tử vong. Các địa phương đang nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát trên diện rộng.
Tại Bệnh viện huyện Chơn Thành (Bình Phước), nếu như những năm trước, tỷ lệ người mắc bệnh sốt xuất huyết không đáng kể thì chỉ tính từ đầu mùa mưa đến nay đã có hơn 120 ca sốt xuất huyết đến điều trị. Do hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa và các loại thuốc đặc trị nên bệnh sốt xuất huyết trở nên nguy hiểm, không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với cả người lớn.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Nội nhi nhiễm, Bệnh viện huyện Chơn Thành cho biết: “Trong giai đoạn gần đây đầu mùa mưa thì tiếp nhận đột biến bệnh nhân rất cao, mỗi ngày lên tới 20 ca, hơn 20 ca, thường vào đây thì cấp độ 1 có, 2 có và 3 có, một số trường hợp bị sốc nặng phải chuyển lên tuyến trên”.
Trong khi tại Kon Tum, bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp với 110 trường hợp mắc. Trong tổng số hơn 150 người mắc bệnh, tại thành phố Pleiku, đã có một bệnh nhi 9 tuổi tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh viện đa khoa thành phố Pleiku đang bị quá tải khi số người nhập viện vì sốt xuất huyết ngày càng tăng.
Trước tình hình này, chính quyền và ngành y tế các tỉnh đang khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức các hoạt động giám sát và hỗ trợ những tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Về kế hoạch thực hiện, Tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, cho biết: “Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Viện Pasteur Nha Trang đang triển khai hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch, tập trung phun hoá chất diệt muỗi, mở các chiến dịch diệt loăng quăng bọ gậy, hạn chế nguồn phát sinh, phát triển của muỗi; Tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, khơi thông cống rãnh… phát hiện bệnh nhân, xử lý sớm tất cả trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết để hạn chế vấn đề tử vong”.
Trong khi hiệu quả hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các địa phương chưa cao, ngành y tế khuyến cáo: Các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng thông qua những hoạt động cụ thể của mỗi người dân. Qua đó, thực hiện nghiêm những quy định và hướng dẫn về phòng chống dịch sốt xuất huyết theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn./.
(Theo VOV)