Tài năng và trí tuệ của thầy thuốc Việt Nam
07:23, 07/07/2010
Công tác khám, chữa bệnh ở nước ta những năm gần đây có những bước tiến dài nhờ việc ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật y học cao như: can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, ghép mô, tế bào gốc...
Các thầy thuốc của bệnh viện Việt - Đức thực hiện ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não. |
Mới đây nhất, các thầy thuốc Việt Nam lần đầu thực hiện thành công ghép tim, ghép gan từ người cho chết não. Ðây được xem như bước đột phá mới, khẳng định tài năng và trí tuệ của các thầy thuốc đủ khả năng kéo dài cuộc sống cho hàng nghìn người không may mắc các bệnh hiểm nghèo.
Mốc son mới của chuyên ngành ghép tạng
Ngày nay, việc hiến, lấy, ghép mô, tạng đã trở nên phổ biến đối với nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng rất quan tâm đến ghép tạng. Tại kỳ họp lần thứ 63 Ðại hội đồng Y tế thế giới, tháng 5 vừa qua, WHO đã thông qua Nghị quyết về ghép mô, tạng ở người với 11 nguyên tắc cơ bản. Ở nước ta, phẫu thuật ghép tạng được các thế hệ thầy thuốc chuẩn bị từ những năm 70 của thế kỷ trước và đến năm 1992, trường hợp ghép thận đầu tiên lấy từ người cho sống được thực hiện thành công. Từ đó đến nay, cả nước đã tiến hành gần 300 ca ghép thận, trong đó có bảy trường hợp lấy thận từ người chết não. Cùng với phát triển kỹ thuật ghép tạng, ghép mô cũng được quan tâm phát triển với khoảng 500 trường hợp ghép giác mạc và hơn 50 trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu. Ðến nay, cả nước có 15 bệnh viện (cả dân y và quân y) triển khai kỹ thuật ghép mô, tạng. Bên cạnh đó, nước ta cũng có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ tạo điều kiện cho chuyên ngành ghép tạng phát triển.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, giữa tháng 6-2010, các cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện 103, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép tim là anh Bùi Văn Nam, 48 tuổi (quê ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh) bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ bốn. Thành công bước đầu của ca ghép tim trên người tại Học viện Quân y không chỉ khẳng định kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ thầy thuốc Học viện mà đó còn là thành công của ngành y tế Việt Nam với sự giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi của các bộ, ban, ngành liên quan. Ðó còn là kết quả từ sự hợp tác, giúp đỡ hiệu quả của các chuyên gia đến từ Ðài Loan (Trung Quốc). Ðây là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não". Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đánh giá: Thành công của ca ghép tim từ người cho chết não là một mốc son, một dấu ấn lịch sử đi vào truyền thống của chuyên ngành ghép tạng nước ta.
Trong ghép tạng, thì ghép gan là khó nhất, từ việc gây mê, hồi sức đến kỹ thuật nối tinh xảo (vi phẫu) động mạch gan, đường mật nhỏ... Thế nhưng từ năm 2004, ca ghép gan trên người đầu tiên được tiến hành thành công tại Học viện Quân y với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản và sự tham gia của các bệnh viện lớn: Việt-Ðức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi T.Ư, Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh... Ðến nay có bốn bệnh viện thực hiện được kỹ thuật ghép gan là: Học viện Quân y, Nhi T.Ư, Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh, Việt - Ðức, với số lượng 14 người được ghép gan, trong đó 13 người ghép gan từ người cho sống. Và mới đây nhất, ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não được các thầy thuốc Bệnh viện Việt - Ðức thực hiện thành công mà không có sự trợ giúp của nước ngoài. Ðây là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: "Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận lấy từ người cho chết não". Người may mắn được thực hiện ca ghép là anh Trần Ngọc Thanh, 46 tuổi ở Ðiện Biên bị ung thư gan, gan xơ. Sau năm ngày, các chỉ số xét nghiệm đánh giá chức năng gan đã trở về bình thường, người bệnh xuất viện sau 25 ngày nằm viện. Thành công đó nằm ngoài sự mong đợi của chính những người thầy thuốc.
Thành công từ những ca ghép tim, ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam chứng tỏ rằng, nền y học Việt Nam có thể thực hiện được những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép tạng.
Ðể sự sống được tiếp nối
Ghép bộ phận cơ thể người là một trong những biện pháp quan trọng trong y học để điều trị nhiều bệnh lý, đem lại sự sống cho người bệnh. Từ sự thành công đó, các thầy thuốc Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tim, gan - kỹ thuật cao nhất trong ghép tạng. Khi đó việc ghép các tạng khác (tụy, phổi, ruột,...) sẽ không còn là khó khăn. Không chỉ vậy, nó cũng thúc đẩy các chuyên ngành khác: hồi sức cấp cứu, huyết học, hóa sinh, vi sinh, miễn dịch, điều trị thải ghép... phát triển theo. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới, khó khăn lớn nhất trong ghép tạng ở nước ta đó là nguồn hiến tạng đang rất khan hiếm. Ðể từng bước khắc phục khó khăn này, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sâu rộng về việc hiến tạng để cứu người cũng như tuyên truyền về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; có chế độ tôn vinh, đãi ngộ gia đình có người hiến tạng. Qua đó nhằm tạo ra nguồn hiến tạng dồi dào, thúc đẩy việc hiến tạng từ người cho chết não. Từ một người hiến tạng đã cứu sống, chữa bệnh được bảy người: một người được ghép gan, hai người được ghép thận, hai người được ghép van tim và hai người được ghép giác mạc. Sự ra đi của một người mang lại sự sống cho nhiều người khác thì đó không còn là một cái chết đơn thuần. Ðây là hình ảnh sinh động về lợi ích của ghép tạng, thể hiện tính nhân bản sâu sắc, người về cõi vĩnh hằng, nhưng một bộ phận cơ thể được tiếp tục sống có ích trong đồng loại.
Qua khảo sát cho thấy, số người bệnh có nhu cầu cần được ghép tạng ở nước ta hiện nay là khá lớn. Trong khi đó, khả năng cung ứng tạng ghép từ người cho chết não cũng khá nhiều. Theo khảo sát tại Bệnh viện Việt - Ðức, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 103 cho thấy, số người bệnh chết não do bị chấn thương sọ não nặng chiếm 80% và đột quỵ chiếm 20%. Chỉ tính riêng số người bệnh tử vong do chấn thương sọ não tại Bệnh viện Việt - Ðức hiện nay là khoảng hơn 1.000 ca mỗi năm. Nếu công tác vận động, tuyên truyền về hiến tạng được thực hiện tốt thì số người chết não có thể hiến tặng tạng nói chung và hiến tặng tim nói riêng trong số bệnh nhân này là không nhỏ. Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức, PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính hạn chế sự phát triển của ghép tạng là nguồn cho tạng. Tạng được lấy từ hai nguồn chính: từ người cho khỏe mạnh (cùng huyết thống) và người cho chết não, trong đó nguồn cho tạng từ người cho chết não là chủ yếu (chiếm 80% số ca ghép tại các trung tâm ghép tạng trên thế giới). Cho đến đầu năm 2010, tất cả các ca ghép gan, thận tại Việt Nam đều thực hiện từ người cho khỏe mạnh, chưa có trường hợp nào được thực hiện từ người cho chết não. Như vậy, việc thực hiện ghép tạng từ người cho chết não là nhu cầu thiết yếu và phải được thực hiện trong sự phát triển của nền y học Việt Nam. Chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về y dược GS Phạm Gia Khánh cho biết: Ghép tạng ở Việt Nam chậm hơn thế giới khoảng nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Nhưng thật mừng đến nay, các bác sĩ nước nhà đã làm chủ kỹ thuật được coi là phức tạp nhất này.
Hy vọng rằng với mốc son này, trong thời gian tới sẽ có nhiều ca ghép tạng được thực hiện thành công để mang lại niềm hy vọng cho những người mắc các bệnh hiểm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Sự sống được tiếp nối.
(Theo Nhan Dan)