Tìm hiểu về triệu chứng đau bụng
Cấu tạo của ổ bụng và cơ chế của cảm giác đau
Ổ bụng được ngăn cách với ngực bằng một bắp thịt mỏng nằm ngang gọi là cơ hoành. Các tạng phủ chứa trong ổ bụng được nâng đỡ bởi xương chậu. Đằng sau ổ bụng là xương sống. Xung quanh ổ bụng là nhiều lớp bắp thịt bao bọc. Mặt trong ổ bụng và xung quanh các tạng phủ được bao phủ bởi một màng mỏng gọi là phúc mạc.
Ổ bụng chứa gan mật ở phần trên bên phải, bao tử và lá lách ở phần trên bên trái. Ở sau và dưới bao tử là tuỵ tạng. Đồ ăn sau khi được trộn lẫn với dịch vị, được đẩy xuống ruột non; sau khi các chất bổ dưỡng được hấp thu, chất bã còn lại được đẩy xuống ruột già, gồm có ruột già lên ở bên phải, ruột già ngang, ruột già xuống ở bên trái. Hai thận ở phần trên, mặt sau của ổ bụng, làm ra nước tiểu, nước tiểu được hai ống nhỏ dẫn xuống bàng quang. Bàng quang ở giữa bụng dưới, trên xương chậu, sau xương mu. Ở phụ nữ còn có tử cung, buồng trứng ở giữa bụng dưới, giữa bàng quang và ruột già (khúc này gọi là trực tràng).
Các tạng phủ đều được điều khiển bởi hệ thần kinh tự chủ. Các dây thần kinh cảm giác ở tạng phủ ghi nhận các thay đổi về hoá học (như acid) hay vật lý như giãn nở, chèn ép.... truyền các tín hiệu này về trung tâm tủy sống rồi được truyền về não bộ khiến cho ta nhận được là cảm giác đau. Cảm giác đau của tạng phủ không rõ ràng chính xác như cảm giác ở mặt và tay nên khi các tạng phủ bị tổn thương, ta có cảm giác đau giống nhau.
Các chứng đau bụng
Để hướng dẫn chẩn đoán các bệnh gây đau bụng, ta cần xem xét các bệnh có thể gây đau ở bụng trên, bụng dưới hoặc đau khắp bụng.
1. Đau bụng trên
- Đau bụng trên bên phải thường là do nguyên nhân gan mật. Cơn đau sạn mật thường xảy ra sau bữa ăn. Bệnh nhân đau liên tục, cường độ tăng dần, kéo dài từ 15 phút đến vài giờ, thường không quá 4 giờ, có thể kèm theo ói mửa. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm, đôi khi cần xét nghiệm chuyên môn khác. Khi sạn túi mật có biến chứng nhiễm trùng, bệnh nhân bị sốt, đau kéo dài, có khi bị vàng da, cần nhập viện can thiệp ngoại khoa.
- Sạn túi mật có thể di chuyển, làm tắc nơi ống dẫn mật và ống dẫn dịch tụy, gây viêm tụy cấp. Trong trường hợp này bệnh nhân đau dữ dội, đau ở giữa bụng trên, thường phải ngồi để bớt đau, thường ói mửa. Bệnh nhân cần nhập viện khẩn cấp, điều trị hồi sức, cần can thiệp ngọai khoa. Một số trường hợp viêm tụy cấp có thể do uống quá nhiều rượu, hoặc ở Việt Nam có thể do sán lãi.
- Đau bao tử. Trong trường hợp loét bao tử tá tràng, bệnh nhân đau khi đói và 2 giờ sau khi ăn. Trong loét cấp tính, bệnh nhân có thể ói. Trong viêm bao tử, bệnh nhân thường đau ngay sau khi ăn. Người trẻ thường bị loét bao tử do vi trùng H. pylori. người lớn tuổi thường bị loét vì dùng thuốc giảm đau loại chống viêm không steroid, trong trường hợp này bệnh nhân có thể loét hoặc chảy máu bao tử mà không đau.
- Nhiều người có cảm giác khó chiụ, đầy bụng, ăn không tiêu, tuy rằng chụp hay soi bao tử không thấy tổn thương cơ thể, do đó trong thực tế ta có thể điều trị thử một số người trẻ không có dấu hiệu trầm trọng bằng các thuốc chống acid và theo dõi sự đáp ứng.
- Cần thận trọng ở những người lớn tuổi vì một số người tuy có triệu chứng mơ hồ không rõ rệt lại bị ung thư bao tử do đó cần phải chụp hoặc soi bao tử để tìm nguyên nhân để không bỏ sót một bệnh nguy hiểm.
- Nhiều người đau vùng thượng vị vì trào ngược dịch vị, chụp bao tử không thấy loét, soi thực quản và bao tử có thể thấy dấu viêm cuống thực quản vì acid từ bao tử trào ngược lên. Có khi người bệnh cần làm xét nghiệm chuyên môn khác để chứng tỏ tình trạng này.
2. Đau bụng dưới
- Đau bụng dưới bên phải tức là hố chậu phải, trước nhất cần phải nghĩ đến viêm ruột thừa. Bệnh nhân bắt đầu đau quanh rốn, sau đó di chuyển xuống hố chậu phải. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, buồn ói, thường không đi cầu, có điểm đau rõ rệt. Tình trạng nặng dần, cần nhập viện để can thiệp ngoại khoa, tránh biến chứng.
- Đau hố chậu trái, ngoài chứng viêm ruột già và kiết lỵ, cần nghĩ đến viêm chỉ nang ruột già ở người lớn tuổi. Chỉ nang là những túi phình của thành ruột già, giống như hình ngón tay. Chỉ nang có thể bị viêm nhiễm, có thể chảy máu hoặc bị thủng.
- Khi đau bụng dưới, bạn cần phải nghĩ đến ung thư ruột già, ở người lớn tuổi, cần phải tìm máu ẩn trong phân và soi ruột già sạn tiết niệu.
- Sạn từ thận di chuyển xuống ống dẫn tiểu, khiến cho ống dẫn tiểu phải co thắt, gây cảm giác đau. Bệnh nhân đau một bên, đau dữ dội, cơn đau gò, phát xuất từ sau lưng lan ra phía trước có thể lan xuống bộ phận sinh dục. Bệnh nhân thường bị tiểu khó, nước tiểu thường có máu.
3. Đau khắp bụng
- Một số trường hợp khẩn cấp như tắc ruột, bệnh nhân đau quặn, ói mửa,
- Không đi cầu được, không trung tiện được.
- Viêm phúc mạc, thí dụ do viêm ruột thừa tạo thành áp xe, mủ lan vào trong màng bụng, cần giải phẫu.
- Một số trường hợp ít gặp như tắc mạch máu ruột, gây đau sau khi ăn ở những người lớn tuổi có nguy cơ bệnh tim mạch.
- Phình động mạch chủ vỡ chảy máu vào ổ bụng.
- Nhiều trường hợp khác là do rối loạn tiêu hóa hoặc là hội chứng ruột dễ bị kích thích. Bệnh nhân đau không rõ rệt, thường đau khắp bụng, thường phải đi cầu ngay sau khi ăn, sau khi đi cầu thì bớt đau, bệnh nhân phải đi cầu nhiều lần, vì đi cầu nhiều lần nên phân lỏng hoặc mềm. Điểm đáng chú ý là bệnh nhân không đi cầu ban đêm. Chẩn đoán do loại trừ các nguyên nhân cơ thể như u bướu, viêm, nhiễm trùng, sán lãi. Có người bị táo bón và đau bụng, có người khi bị táo bón, khi bị tiêu chảy. Bệnh khá phổ biến, không nguy hiểm nhưng gây phiền toái, nên điều trị để giảm bớt triệu chứng.
4. Đau bụng ở phụ nữ, chẩn đoán cần dựa vào tuổi và kinh nguyệt
- Viêm tử cung phần phụ. Bệnh nhân thường có huyết trắng, đau giữa bụng dưới, có thể sốt và ói mửa.
- Bướu buồng trứng xoắn, vỡ hoặc chảy máu.
- Thai ngoài tử cung, xảy ra 6-8 tuần sau khi có kinh, ra huyết âm đạo nhẹ. Thăm khám thấy khối u ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung chưa vỡ không đau. Khi thai ngoài tử cung vở chảy máu vào ổ bụng, gây đau, trụy mạch, cần giải phẫu khẩn cấp.
5. Đau bụng ở trẻ em
Trẻ em có thể có những nguyên nhân đau bụng như người lớn. Trẻ em nhỏ có thể bị lồng ruột, là một dạng tắc ruột. Trong phần lớn trường hợp, đau bụng ở trẻ em không có nguyên nhân cơ thể, cần được điều trị triệu chứng, chống co thắt, điều trị táo bón, mục đích là làm cho các em trở lại đi học được. Chỉ các trường hợp có dấu hiệu báo động như sốt, ói mửa, xuống cân, thiếu máu thì cần đẩy mạnh xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
(Theo vtv.vn)