Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xử trí chứng đau vai, gáy

07:43, 27/04/2011
Sự rối loạn các thành phần của đường cảm giác ở tủy sống cổ, do quá trình bị thương tổn, bị kích thích đồng thời có ảnh hưởng tới tâm lý có thể dẫn đến chứng đau vai, gáy và cánh tay. Xử trí chứng bệnh này có thể đơn giản hoặc phức tạp tùy theo nguyên nhân gây bệnh, do vậy người bệnh cần đến khám và điều trị tại các chuyên khoa thần kinh để có kết quả tốt nhất.

 

Các mức độ đau khác nhau

 

Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu - cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên. Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên sau một thời gian người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau - đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt (uống nước sặc, nghẹn), đồng thời có thể xảy ra rối loạn chức năng, liệt các dây thần kinh VIII, X, XI...

 

Đặc điểm của vùng gáy cổ là các rễ thần kinh như rễ tủy cổ, rễ sau (có vai trò cảm giác) và rễ trước (có vai trò vận động) hợp thành một dây thần kinh tủy cổ đi ra chi phối khoanh cơ thể qua lỗ tiếp hợp. Do đặc điểm ở đoạn tủy cổ, đốt sống cổ và đốt tuỷ cổ chênh nhau một đốt nên cần chú ý đánh giá lâm sàng giữa khoanh cơ thể và khoanh đốt sống nhất là các cơn đau (đau từ đốt sống hay từ lỗ tiếp hợp). Màng cứng của tuỷ theo rễ thần kinh ra tới lỗ tiếp hợp nên có những viêm nhiễm khu trú ảnh hưởng và gây ra chứng bệnh này.

 

 

 

Người làm việc văn phòng dễ mắc đau vai gáy, cánh tay.

 

Cần lưu ý những nguyên nhân gây ra bệnh

 

Có nhiều nguyên nhân gây ra đau vùng gáy, bả vai, cánh tay. Do vậy cần chú ý những yếu tố sau:

 

Dấu hiệu đặc biệt của u hố sau: Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, những người trẻ tuổi. Người bệnh có những cơn nhức đầu dữ dội, cơn đau nhức lan từ vùng chẩm phía sau đầu lan xuống gáy, khiến người bệnh có cảm giác cứng gáy, rơi vào tư thế “sái cổ”. Ngoài ra nhiều người còn có hội chứng tăng áp lực trong sọ và dấu hiệu thần kinh khu trú. Nếu có những dấu hiệu này cần đi khám ngay để kịp thời được phẫu thuật.

 

Đau vùng gáy, bả vai, cánh tay còn là triệu chứng của ép rễ tủy cổ: Cần phân tích giai đoạn ép rễ (gây đau) và ép tủy (gây liệt các đường dẫn truyền vận động và cảm giác). Do đặc điểm cấu tạo chức năng của tủy sống cổ nên giai đoạn ép rễ (gây đau nhất là đau gáy, bả vai, cánh tay) thường kéo dài, nên dễ bị bỏ qua khi phân định với ép tủy cổ. Có nhiều nguyên nhân gây ép tủy cổ như u tủy cổ, viêm màng nhện tủy cổ, lao…

 

Đau vùng gáy, bả vai, cánh tay do tổn thương đốt sống cổ, do lao, do ung thư, do thoái hoá… Tổn thương đốt sống cổ là do thoái hoá đốt sống cổ thường gặp nhiều ở độ tuổi 40-50. Thoái hóa đốt sống cổ nhất là ở lỗ tiếp hợp sẽ gây kích thích dây thần kinh tủy và lúc đó sẽ gây kích thích đau theo khu vực chi phối của dây thần kinh: gáy- bả vai- cánh tay. Cũng cần xác định chứng bệnh qua phim chụp Xquang cột sống cổ tư thế chếch trước trái và chếch trước phải xem có hình ảnh gai xương hay thu hẹp lỗ tiếp hợp gây ra đau.

 

 

Nên vận động để phòng bệnh

 

Tùy theo từng nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau. Nếu đã loại trừ được những nguyên nhân chèn ép, cố tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường, có thể bằng đường uống, bằng cao dán. Người bệnh cũng có thể dùng vitamin E 400mg, ngày uống 1 viên nang, sử dụng đợt điều trị từ 1- 3 lọ. Ngoài ra có thể kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay.

 

Những người có hoạt động cúi nhiều, ảnh hưởng đến cổ vai gáy (như diễn viên xiếc, nông dân, công nhân…) nên có những bài tập thể dục dành riêng cho các bộ phận này vào buổi sáng và tối để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh ở đây sau một ngày lao động vất vả. Những người làm máy tính, làm văn phòng chỉ ngồi một chỗ ít vận động cũng cần lưu ý đến chứng bệnh này. Nếu có dấu hiệu đau nên đi khám ở các chuyên khoa thần kinh để có chỉ định điều trị phù hợp, tránh vặn kéo mạnh có thể gây tổn thương nặng thêm các dây thần kinh ở đây.   

 

(Theo SK&ĐS)