Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tăng cường phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi

14:41, 23/02/2014
(truyenhinhnghean.vn) Sáng 23/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi.

 

Dự hội nghị có  đồng chí Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

 

Trước tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại Trung Quốc, Bộ Y tế nhận định dịch có thể  sớm xâm nhập vào nước ta và nguy cơ bùng phát thành dịch ở người. Đồng thời cúm A(H5N1) sẽ tiếp tục gia tăng ca bệnh trên người. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung thực hiện quyết liệt công điện số 200 ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm lây sang người, nhằm ngăn chặn cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam và sự bùng phát của cúm A(H5N1), hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác hại cho ngành chăn nuôi; Đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu, tăng cường giám sát trọng điểm. Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm tại các Viện, Bệnh viện tuyến Trung ương; Tổ chức thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời không để tử vong các trường hợp mắc bệnh dầu tiên; Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh. Mua sắm bổ sung các trang thiết bị, máy, vật tư, hóa chất, phòng chống dịch bệnh cho các đơn vị trong ngành y tế. Đồng thời, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm trên gia cầm và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

 

Để kiểm soát dịch sởi, Bộ Y tế triển khai kế hoạch tiêm chủng vác xin sởi đạt trên 95 % cho các đối tượng sau: là trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vác xin theo lịch tiêm chủng; Đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch theo chỉ định. Thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2014 trên phạm vi toàn quốc.

 

Tại Nghệ An, mặc dù dịch cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm khác chưa xuất hiện nhưng trong thời gian tới nguy cơ xâm nhập vào tỉnh ta là rất lớn. Còn về tình hình dịch sởi, chỉ từ ngày 8/2 đến 20/2/2014 đã xảy ra trường hợp sốt phát ban dạng sởi xảy ra tại 9 huyện với 15 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện tổ chức Y tế thế giới đánh giá, dự báo về tình hình dịch cúm A(H7N9); Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc tham luận về các kinh nghiệm kiểm soát và phòng chống dịch cúm A(H7N9) lây từ gia cầm sang người; các tham luận về công tác phòng chống dịch trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn; Đồng Tháp; công tác triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi tại thành phố Hà Nội. Đồng thời các đại biểu cũng được nghe các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác phòng chống dịch bệnh trên gia cầm; Bộ Công thương về công tác kiểm soát, cung ứng và tiêu thụ gia cầm nhập lậu…

 

(Mai Hương)