Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc trẻ tự kỷ

09:34, 03/03/2014
(truyenhinhnghean.vn) Trong những những năm gần đây, số lượng trẻ tự kỷ ở Nghệ An đang có chiều hướng gia tăng, trong khi đó, công tác can thiệp và đánh giá trẻ tự kỷ vẫn còn ở trong giai đoạn khởi phát. Điều này đang gây khó khăn trong công tác chăm sóc cho trẻ tự kỷ.

 

 

Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An (Ảnh: Báo Nghệ An)

 

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 1000 trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Theo các chuyên gia tâm lý thì tự kỷ là một chứng bệnh liên quan đến rối loạn phát triển tâm lý khiến người mắc bệnh có những biểu hiện bất thường trong quan hệ giao tiếp xã hội, sống thu mình, ngại tiếp xúc và nếu không được can thiệp điều trị đúng cách và kịp thời có thể trở thành bệnh mãn tính tồn tại trong suốt cuộc đời.

 

Trước thực tế đó, năm 2010, Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ tổ chức các hoạt động trợ giúp can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật và điều trị cho trẻ tự kỷ. Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An đã tiến hành tư vấn, trị liệu cho hàng trăm lượt trẻ có hội chứng tự kỷ.

 

Tại đây, trẻ tự kỷ được các giáo viên huấn luyện các kỹ năng giao tiếp, cách tiếp nhận và thể hiện ngôn ngữ, thay đổi hành vi, giúp trẻ nhận biết được môi trường xung quanh bản thân. Đồng thời, khi các bậc phụ huynh đến đón con, các giáo viên phụ trách tranh thủ thời gian tâm sự trò chuyện và tư vấn về cách chăm sóc trẻ ở nhà để phát huy hiệu quả hơn các bài tập kỹ năng cá nhân và vận động khi trẻ học tại lớp.

 

Chị Võ Thị Phương Thúy, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An có con đang theo học tại trung tâm cho biết: Trước đây, chưa đi học thì cháu không nói được một từ nào. Sau khi đến học tại đây thì cháu đã phát âm được một số từ đơn giản. Đến nay, cháu đã học được 6 tháng thì đã nói được cả câu. Tôi cũng thấy yên tâm phần nào.

 

Mặc dù, cơ sở điều trị cho trẻ tự kỷ ở Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An bước đầu đã có hiệu quả và đã tạo điều kiện cho các gia đình có trẻ tự kỷ có cơ hội đưa con em mình điều trị, giảm chi phí trong quá trình đi lại. Điều đáng nói là hiện nay, trên địa bàn thành phố nói riêng và địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung mới chỉ có một vài cơ sở của nhà nước được cấp phép về đánh giá và can thiệp sớm trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, số cơ sở này chỉ mới đáp ứng được số lượng nhỏ nhu cầu của các gia đình có trẻ tự kỷ. Trong khi đó, cơ sở vật chất để tổ chức điều trị cho trẻ tự kỷ còn thiếu. Đội ngũ giáo viên về lĩnh vực này còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, công tác chăm sóc giáo dục cho số trẻ tự kỷ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cô Tôn Thị Trí, giáo viên dạy trẻ tự kỷ - Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: Các giáo viên ở đây còn thiếu các buổi tập huấn, hội thảo và sự trao đổi của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trẻ tự kỷ. Hơn nữa, nhận thức của các phụ huynh về trẻ tự kỷ còn hạn chế.

 

Trước những khó khăn trong công tác chăm sóc, điều trị trẻ tự kỷ, ông Nguyễn Hữu Minh, giám đốc quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho rằng: cần xây dựng  đội ngũ đáp ứng được phương pháp dạy học cho trẻ tự kỷ; Tăng cường biên chế cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt là có nguồn kinh phí từ Nhà nước và các nhà hảo tâm, ủng hộ chia sẻ để quỹ bảo trợ xã hội tỉnh có kế hoạch phát triển tốt hơn.

 

Phát hiện sớm trẻ tự kỷ là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ. Khi phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được khắc phục ngay những khiếm khuyết của mình và trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và nhận thức. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ được điều trị kịp thời, rất cần còn sự vào cuộc của ngành có liên quan đầu tư kinh phí, mở rộng cơ sở đánh giá và can thiệp sớm trẻ tự kỷ;Tăng cường công tác đào tạo nhân lực, phát triển đội ngũ chuyên môn phục vụ, áp dụng đa dạng các phương pháp khác khau trong việc đánh giá trẻ. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao nhận thức về cách phát hiện sớm trẻ tự kỷ, chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.

 

(Lam Hà)