Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An khó cán đích lộ trình BHYT toàn dân

16:37, 15/05/2014
Cho đến thời điểm này, Nghệ An mới chỉ có hơn 70% người dân có thẻ BHYT. Điều đáng lo ngại nhất đó là trong gần 30% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT lại chủ yếu rơi vào các đối tượng lao động tự do, hộ buôn bán nhỏ, lao động thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn… Và nếu như không kịp thời có các biện pháp cụ thể thì chắc rằng Nghệ An sẽ không hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân

 

Chị Trần Thị Lệ Tĩnh, quê ở Nam Đàn, hiện đang điều trị tại BV Ung bướu Nghệ An. Phát hiện bị u Lympho Hodgkin từ năm 2004, chị đã phải đi điều trị liên tục tại BV K Trung ương, từ năm 2013 đến nay chị chuyển về điều trị tại BV Ung bướu Nghệ An. Hiện, chị là bệnh nhân thứ 2 của BV sẽ được ghép tủy vào cuối tháng 5 tới. Chi phí cho 1 ca ghép tủy là 600 triệu, bệnh nhân phải chi trả sau bảo hiểm khoảng 200 - 250 triệu đồng. Nếu như không có tấm thẻ BHYT, thì với căn bệnh này và chừng ấy thời gian nằm viện chị không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị.

 

Thành phố Vinh có tổng dân số gần 350.000 người, song đến nay, cũng mới chỉ có gần 230.000 người có thẻ BHYT, chiếm hơn 70% dân số, trong đó tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT chỉ có 5 ngàn người. Năm 2011, ngoài được Nhà nước hỗ trợ 70%, UBND TP Vinh còn hỗ trợ thêm cho người cận nghèo 10% mức đóng BHYT, thì đã có 100% đối tượng tham gia. Tuy nhiên, đến năm 2013, khi TP bỏ hỗ trợ, tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia BHYT giảm một cách đáng kể. Ông Trần Văn Huyên- Giám đốc BHXH TP Vinh cho rằng: TP chưa có văn bản chỉ đạo nên các phường, xã chưa vào cuộc. Còn người dân thì không mặn mà đến BHYT nên kết quả BHYT toàn dân đạt thấp.

 

Quả tải Bệnh viện là một trong những nguyên nhân làm người dân không mặn mà với BHYT

 

 

Người dân chưa mấy mặn mà với tấm thẻ BHYT còn là do tình trạng quá tải ở bệnh viện các tuyến, nhất là các BV chuyên khoa, các thủ tục KCB còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về các chính sách BHYT còn chưa thực sự được đẩy mạnh và sâu rộng đến người dân. Lý do khác như mức đóng BHYT hiện nay hơi cao so với nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng không thuộc diện nghèo để được cấp thẻ BHYT…

 

Tính đến tháng 4/2014, cơ quan BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 53 cơ sở khám chữa bệnh và 480 trạm y tế xã phường, thị trấn; phát hành trên 2.110.000 thẻ BHYT, nâng tổng số người có thẻ BHYT lên hơn 70% dân số. Thế nhưng, việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH,  BHYT để đảm bảo lộ trình BHYT toàn dân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, lao động làm nghề tự do, buôn bán nhỏ, xã viên nông nghiệp, nông dân… tham gia BHYT tự nguyện không nhiều, trong khi đây là đối tượng chiếm khá đông. Nguyên nhân do cơ chế chính sách còn bất cập. Luật BHYT chỉ mới quy định người dân có trách nhiệm tham gia BHYT, chứ chưa bắt buộc phải tham gia.

 

Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT

 

Về những giải pháp trong thời gian tới, ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Ngành sẽ đề xuất với đoàn ĐBQH tỉnh về việc sửa đổi Luật BHYT theo hướng BHYT là bảo hiểm bắt buộc đối với người dân; Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHYT.

 

Thực tế cho thấy, để đảm bảo bao phủ BHYT với nhóm đối tượng lao động tự do, nông nghiệp, nông thôn.. cần một chiến lược đầy đủ về pháp lý, trách nhiệm chính quyền, sự hỗ trợ của nhà nước và ý thức công dân. Trong khi đang chờ đợi Luật BHYT sửa đổi ban hành, tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp chính quyền, cũng như các cơ quan, ban ngành, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT; phấn đấu đạt lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020 theo đúng luật định.

 

(Hiến Chương)