Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Những khó khăn trong phát triển y tế khu vực miền Tây Nghệ An

11:02, 16/06/2014
(truyenhinhnghean.vn) Cùng với khó khăn chung về kinh tế xã hội, y tế là một lĩnh vực còn nhiều hạn chế và khó khắc phục trong những năm qua ở các huyện miền Tây Nghệ An. Do vậy, phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực miền Tây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đề án phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An từ nay đến năm 2020.

 

5 năm trở lại đây, các bệnh viện, trạm y tế các xã thuộc khu vực miền Tây của tỉnh đã được nâng cấp, xây dựng, tuy nhiên, trong số 11 bệnh viện và 216 trạm y tế xã vùng miền Tây thì vẫn còn hơn 1/3 chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Do điều kiện kinh tế địa phương khó khăn nên nhiều trạm y tế nhiều năm liền không được đầu tư, nâng cấp, hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, Dự án GIZ của Chính phủ Đức tài trợ trang thiết bị cho một số trạm y tế vùng khó khăn, nhưng ở nhiều trạm y tế của các huyện miền núi, những thiết bị này không phù hợp với hạ tầng cơ sở và cả trình độ của người sử dụng. Chật chội, phòng ốc xuống cấp, không có chỗ để nên nhiều trang thiết bị hiện đại không sử dụng được, thậm chí buộc phải treo lên xà nhà.

 

Theo Bác sỹ Trương Văn Đức- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ, Nghệ An, ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác khám chữa bệnh đối với địa bàn miền núi như Tân Kỳ còn gặp muôn vàn khó khăn khác, đặc biệt là tình trạng thiếu đội ngũ Bác sỹ tại cơ sở.

 

Nhiều Trạm y tế xã khu vực miền Tây Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu KCB ban đầu cho nhân dân (Ảnh: Kim Bảo)

 

Mặc dù tỉnh, ngành y tế đã thực hiện nhiều chính sách, đặc biệt là đề án đưa bác sĩ về xã, đề án thu hút nguồn nhân lực, song vẫn không thể đáp ứng được so với yêu cầu và chưa có tính bền vững. Ở huyện Tân Kỳ, hiện nay, trong 22 trạm y tế xã, thị trấn, thì chỉ 14 trạm có bác sỹ.  Các bác sĩ này đều được đào tạo từ cán bộ sơ, trung cấp học lên theo hình thức chuyên tu, tại chức. Bởi chờ bác sĩ thực sự có năng lực về tuyến cơ sở theo đề án tăng cường là rất khó.  

 

Tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng xảy ra ngay ở bệnh viện ĐK huyện, nơi có cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như điều kiện cho bác sĩ phát triển hơn ở các trạm y tế. Điển hình như huyện Quỳ Châu 10 năm qua chỉ thu hút được 3 bác sĩ trẻ.  Bác sĩ Đặng Tân Minh – GĐ Bệnh viện ĐK huyện Quỳ châu chia sẻ: Thực tế thì không bác sĩ nào muốn về các huyện miền núi khó khăn công tác. Không thu hút được, ngành Y tế Quỳ Châu đã phải cử nhiều y sỹ đi đào tạo bác sỹ chuyên tu, đáp ứng phần nào khó khăn về nguồn nhân lực. Để khuyến khích thu hút được bác sĩ về miền núi công tác, thiết nghĩ cần có chính sách ưu đãi hơn nữa, đặc biệt là chế độ.

Nằm trong đề án phát triển miền Tây Nghệ An, lĩnh vực y tế có 2 bệnh viện khu vực đang được đầu tư xây dựng. Đó Bệnh viện ĐK Tây Bắc và Bệnh viện ĐK Tây Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cả 2 dự án này đều triển khai rất chậm. Trong khi cơ sở vật chất, giường bệnh của bệnh viện hiện tại không còn đáp ứng được với nhu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng KCB. Bệnh viện Đa khoa khu vực tây bắc Nghệ An được xây dựng năm 1982, với quy mô 80 giường bệnh. Trải qua thời gian dài hoạt động, do nhu cầu khám chữa bênh cho nhân dân 5 huyện, thị tuyến quốc lộ 48 nên bệnh viện đã được phát triển lên 260 giường bệnh bằng cách cơi nới nên quá tải là điều tất nhiên. Hiện bệnh viện có 15 khoa lâm sàng và cận lâm sàng thì hầu hết các khoa phòng đều phải cơi nới.

 

Một trong những mục tiêu mà ngành y tế đặt ra trong chiến lược phát triển, đặc biệt chú trọng ở miền Tây đó là tăng cường công tác phòng bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Điều này đồng nghĩa với việc cần nâng cao vai trò của tuyến y tế cơ sở, mà cụ thể là Trạm y tế. Tuy nhiên, với thực trạng còn quá nhiều khó khăn như hiện nay, thì khi dịch bệnh phức tạp xảy ra, y tế cơ sở sẽ khó đáp ứng được chủ trương phân tuyến điều trị. Điều trị, khống chế bệnh sởi vừa qua là một ví dụ. Một bệnh vốn dĩ không khó chữa, không nhất thiết phải đổ dồn bệnh nhân về tuyến tỉnh hay tuyến trung ương nhưng nếu y tế cơ sở không đáp ứng được các điều kiện khám, điều trị, không thể làm người bệnh yên tâm thì rõ ràng người dân phải tìm giải pháp an toàn bằng cách hướng về tuyến trên, dù có tuyên truyền, vận động hay phân tuyến.

 

Một trong những chỉ tiêu đề án phát triển KT-XH miền Tây đặt ra cho lĩnh vực y tế, đến năm 2015 đạt tỷ lệ 5 bác sĩ /1 vạn dân; 80% số xã có bác sĩ công tác và đến năm 2020 đạt 6,5 bác sĩ /vạn dân; 85% số xã có bác sĩ công tác. Nghĩa là trong vòng 1 năm rưỡi nữa, ngành y tế phải tăng tỷ lệ bác sĩ /vạn dân từ 4 lên 5 và nhiều chỉ tiêu tương ứng. Đây là bài toán quá khó trong thời điểm hiện nay đối với ngành y tế.

 

Đến nay, có thể nói rằng nhiều lĩnh vực ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đang phát triển nhanh theo hướng bền vững. Riêng lĩnh vực y tế vẫn còn khoảng cách khá xa giữa khu vực miền Tây xứ nghệ và các huyện đồng bằng, thành phố. Trong khi, nhận thức và nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân đang dần được nâng lên, thì đòi hỏi lĩnh vực y tế cũng phải phát triển để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đề ra.

 

(Hoài Thanh)