Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xử lý chất thải rắn y tế: Báo động đỏ!

14:34, 21/08/2014
(truyenhinhnghean.vn) Trên địa bàn Nghệ An hiện có 41 bệnh viện các loại với gần 7.100 giường bệnh và 365 cơ sở hành nghề y dược tư nhân khác. Trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có từ 4.000-4500 kg chất thải rắn y tế nguy hại được thải ra môi trường. Song phần lớn ở các BV, chất thải chỉ được xử lý bằng lò đốt 1 buồng, đốt thủ công hoặc chôn lấp trong khuôn viên. Số BV

 

Một trong những khó khăn lớn nhất của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đó là thiếu kinh phí cho việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Nhiều bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng đã xuống cấp, quá tải, cần đầu tư xây dựng mới trong khi giá thành đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý chất thải y tế rất cao, chưa kể kinh phí để vận hành hệ thống này rất tốn kém. BV đa khoa Tân Kỳ là một ví dụ. Từ năm 2009 đến nay, do không có kinh phí sửa chữa lò đốt rác thải đã bị hỏng, BV phải đào hầm bê tông để chôn rác. Nguy hại hơn là các loại rác thải rắn thì được BV xử lý bằng cách đốt trực tiếp ngay tại khuôn viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cán bộ y tế và những bệnh nhân nằm viện, thậm chí là với người dân ở gần khu vực bệnh viện. Điều đáng nói, hiện nay lượng rác thải y tế tồn dư ngày mỗi nhiều, song BV lại không có thẩm quyền vận chuyển đi nơi khác xử lý.

 

Trung bình, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Nghệ An có từ 4.000-4500kg chất thải rắn y tế nguy hại thải ra môi trường (Ảnh: Kim Bảo)

 

Cùng chung tình trạng trên, rác thải y tế cũng được Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu xử lý thủ công, sơ sài. Đối với các loại rác thải rắn độc hại, bệnh viện chỉ chôn lấp hoặc đổ thành từng đống lớn rồi đốt. Với những chất thải lỏng, bệnh viện cho chảy theo cống ngầm ra bể phốt đặt gần khu vực dân cư. Chính việc xử lý thủ công như thế đã làm cho số rác thải và nước thải bị tuồn ra ngoài là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường nặng.

 

BV Lao và bệnh Phổi cũng là một trong những BV bị người dân trên địa bàn phản ánh nhiều về tình trạng ô nhiễm khói bụi. Bình quân mỗi ngày lượng rác thải y tế nguy hại mà BV thải ra môi trường từ 15-20kg, chưa kể 100kg rác thải sinh hoạt, nhưng cũng chỉ được xử lý bằng công nghệ đốt, không có hệ thống xử lý khí thải. Năm 2007, BV được đầu tư xây dựng một lò đốt chất thải nguy hại có công suất 20kg/1h. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, hệ thống đã bị xuống cấp nên không xử lý triệt để hết các thông số theo quy định. Hiện nay, BV phải ký hợp đồng với Công ty cổ phần cơ - điện - môi trường LILAMA và Công ty môi trường đô thị Vinh thu gom rác thải y tế cũng như rác thải sinh hoạt. Điều đáng nói, mặc dù, tháng 08/2012, bệnh viện đã được đưa vào Dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, nhưng đến thời điểm này, Dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện tại Bệnh viện.

 

Tương tự, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, bình quân 1 tháng xả ra môi trường từ 300-350kg rác thải rắn y tế. Do khuôn viên chật hẹp không thể xây dựng lò đốt, vì vậy, BVphải ký hợp đồng với Công ty Môi trường xanh Hải Dương 2 tuần về thu gom rác thải y tế 1 lần. Và đương nhiên, cũng như BV Lao và Bệnh phổi, BV Nội tiết cũng không thể kiểm soát được nguy cơ thất thoát rác thải rắn y tế ra bên ngoài. Trong khi, các loại rác thải rắn như bơm tiêm, dây truyền dịch, ống thở và găng tay cao su, chai lọ đựng thuốc…lại  là mặt hàng thường được các đầu nậu tái chế nhựa thu mua, đem về xay nhỏ rồi bán lại cho những cơ sở sản xuất nhựa. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn, nguồn lây nhiễm dịch bệnh ra môi trường.  

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, duy nhất BV HNĐK Nghệ An có lò xử lý chất thải rắn y tế có công suất tiêu hủy 500kg rác/ ngày (Ảnh: Kim Bảo)

 

Hiện nay, toàn tỉnh duy nhất chỉ có BV Hữu Nghị đa khoa vừa được đầu tư xây mới một lò đốt hiện đại, có công suất 500kg/ngày. Còn lại nhìn chung, việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở y tế, nhất là BV tuyến huyện hiện nay phần lớn đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, chôn lấp không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Hơn nữa, các cơ sở y tế phần lớn đều nằm trong khu vực dân cư, việc chất thải rắn y tế nguy hại không được xử lý đúng quy trình kỹ thuật đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

 

Trước thực trạng đó, năm 2010 tỉnh đã xây dựng Ðề án tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2015, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý.

 

Theo Đề án, để xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại huyện Hưng Nguyên và hệ thống lò đốt tại các BV tuyến huyện, tỉnh sẽ phải bỏ ra một nguồn kinh phí không nhỏ, dự kiến khoảng hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sau 3 năm triển khai, dự án vẫn đang dẫm chân tại chỗ vì thiếu kinh phí. Trong khi theo đà tăng của giường bệnh là sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kỹ thuật, đã kéo theo sự gia tăng của chất thải y tế các loại.

 

Với lượng rác thải rắn y tế trong toàn tỉnh mỗi năm hơn 1500 tấn/năm, nếu như không sớm có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thì bài toán ô nhiễm môi trường do rác thải y tế không biết đến bao giờ sẽ có lời giải.

 

(Hiến Chương)