Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quỳ Châu nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

16:59, 05/03/2015
(truyenhinhnghean.vn) Là huyện miền núi cao của tỉnh, đời sống kinh tế xã hội của người dân Quỳ Châu còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện hiện có hơn 5000 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 1000 trẻ bị suy dinh dưỡng.

  

Theo chân những người làm Cộng tác viên dinh dưỡng, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Lương Thị Duyên, tại bản Mờ, Châu Bính, Quỳ Châu. Cháu Vi Tuấn Hùng, 7 tháng tuổi, 2 tháng trước, cháu bị Viêm phế quản và rối loạn tiêu hóa. Do chị Duyên chưa có kinh nghiệm, kiến thức chăm con nên khi thấy con bị rối loạn tiêu hóa, chị lo sợ không dám cho cháu bú mẹ, mà chỉ cho ăn cháo trắng, dẫn đến cháu bị sút cân và suy dinih dưỡng. Nhưng từ khi cộng tác viên dinh dưỡng đến tận gia đình, tư vấn và trực tiếp hướng dẫn cho chị Duyên cách chăm sóc, làm cháo cho con. Chỉ sau 2 tháng, tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định và tăng cân trở lại.

 

CTV tư vấn dinh dưỡng tại gia đình cho các mẹ trẻ

 

Không chỉ chị Duyên mà còn nhiều người mẹ trẻ khác ở bản Mờ đều thiếu kiến thức trong cách chăm sóc con. Vì thế mà tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng còn khá cao. Toàn xã Châu Thắng có 305 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có 75 cháu bị suy dinh dưỡng chiếm 21,4%. Mặc dù thời gian qua, công tác phòng chống trẻ Suy dinh dưỡng đã được ngành y tế Quỳ Châu triển khai khá đồng bộ về tận các xã, xóm, bản.

 

Trong một buổi truyền thông tô màu bát bột của chuyên trách Dinh dưỡng xã Châu Thắng, hầu hết các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ đều có mặt đông đủ. Các bà mẹ được chuyên trách dinh dưỡng hướng dẫn cụ thể cách thức để nấu một bát bột đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Các chị còn được tự tay thực hành các bước để về áp dụng tại gia đình. Điều này đã phần nào thay đổi được những tập tục lạc hậu của bà con dân bản trong các chăm sóc trẻ trước đây đã làm giảm hẳn số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng trong vài năm trở lại đây.

 

Chuyên trách dinh dưỡng xã Châu Thắng truyền thông tô màu bát bột

 

Tận dụng lợi thế là địa phương miền núi nên đất đai rộng, các mẹ còn được các chuyên gia hướng dẫn cách thực hiện mô hình VAC tại nhà như làm rau sạch, chăn nuôi, rồi đào ao thả cá…

 

Chị Vi thị Gương - Cộng tác viên dinh dưỡng, bản Mờ xã Châu Thắng cho biết: Từ khi chúng tôi tăng cường đến tận hộ gia đình tư vấn dinh dưỡng thì chị em đã  hiểu và biết cách chăm sóc trẻ hơn. Tuy nhiên, đây là công việc vất vả và cần nhiều thời gian vừa bởi địa  hình đi lại khó khăn, lại có gia đình các ông bà già quen cách chăm sóc đơn giản như trước, nên vừa thuyết phục con cháu lại phải thuyết phục cả ông bà nữa.

 

Suy dinh dưỡng do thiếu protein - nǎng lượng là tình trạng thiếu dinh dưỡng quan trọng và phổ biến ở trẻ em nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng. Biểu hiện của suy dinh dưỡng là trẻ chậm lớn và thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, trẻ bị giảm khả nǎng học tập, nǎng suất lao động kém khi trưởng thành. Suy dinh dưỡng có 2 loại, suy dinh dưỡng béo phì và suy dinh dưỡng thấp còi.

 

Nghệ An là tỉnh có dân số đông, đời sống của người dân nhất là vùng nông thôn và miền núi còn khó khăn. Số trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi là chủ yếu; và hầu hết tập trung ở thể nhẹ và vừa. Quỳ Châu là huyện miền núi cao của tỉnh, đời sống kinh tế xã hội của người dân trong huyện còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện hiện có hơn 5000 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 1000 trẻ bị suy dinh dưỡng. Đây là một bài toán khó đặt ra cho ngành y tế Quỳ Châu, bởi công tác phòng chống SDD là công tác liên ngành, cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành khác nhau. Điều quan trọng nhất vẫn là đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc được nâng lên, thì chắc chắn số trẻ bị SDD sẽ được cải thiện. 

 

Bà Nguyễn Thị Dịnh - Phó giám đốc TT y tế huyện Quỳ Châu trao đổi: Chúng tôi đã nỗ lực nhiều trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em nên đã thu được những kết quả đáng ghi nhận so với một huyện nghèo miền núi cao như Quỳ Châu. Song trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Từ trình độ nhận thức của người dân, rồi đời sống kinh tế - xã hội đến nguồn kinh phí và sự vào cuộc của tất cả các ban nghành trên địa bàn. Giải quyết được tất cả những điều đó, mới hy vọng bài toán về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Quỳ Châu sẽ được giải.

 

(Khánh Như)