Coi chừng thuốc gây tổn thọ... cho thận
Thuốc dùng để trị bệnh, nhưng thuốc cũng gây ra nhiều nguy cơ xấu cho người dùng, trong đó tác động xấu với thận cần được lưu ý... Vậy đó là những loại thuốc nào, khi dùng cần chú ý điều gì để dùng thuốc được an toàn.
Nhóm corticoid
Khi thận suy, không tiết đủ cortisol làm các chức năng của một hormon, chỉ định bắt buộc là phải đưa cortisol (corticoid) từ bên ngoài bổ sung lượng cortisol thiếu hụt, nhằm đảm bảo cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên khi đưa cortisol từ bên ngoài trong một thời gian dài thì máu luôn có đủ lượng cortisol nên vỏ thượng thận quen dần với “sự đầy đủ giả tạo” này, không làm chức năng sản xuất cortisol nữa, lâu ngày tuyến này không hoạt động nên bị teo dần. Khi ngừng đột ngột việc đưa cortisol từ bên ngoài, cơ thể lập tức bị thiếu hụt nghiêm trọng cortisol nên cơ thể không thể duy trì các hoạt động bình thường, bị suy thận cấp, dẫn tới tử vong. Để tránh tai biến này trong mọi trường hợp dùng cortisol chỉ được dùng với liều vừa đủ trong không quá 10 ngày... khi ngừng thuốc phải giảm liều dần, sau một thời gian mới ngừng hẳn. Riêng trường hợp suy thận và một số trường hợp đặc biệt khác cần phải dùng cortisol lâu dài thì phải dùng xen kẽ một đợt cortisol, một đợt ACTH để ACTH kích thích “nhắc” vỏ thượng thận làm chức năng sản xuất cortisol.
Kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Prostaglandin đóng vai trò trong việc đảm bảo cho máu đi đến thận. Kháng viêm không steroid (NSAIDs = No Steroid Anti Inflamatory Drugs) ức chế việc sản xuất prostaglandin (để chống viêm, giảm đau) và do lượng prostaglandin bị giảm sút nên lượng máu đi đến thận cũng giảm theo, hoạt động thận kém hiệu quả. Người tuổi cao, có sẵn các vấn đề về thận, đang dùng thuốc lợi tiểu mà dùng NSAIDs; người dùng liều cao và /hoặc kéo dài NSAIDs... thì dễ dẫn đến suy thận. Nhóm người thuộc các đối tượng này vẫn có thể dùng NSAIDs nhưng không nên tự ý mà nên có chỉ dẫn dùng của thầy thuốc để tránh tai biến này.
Thuốc ức chế men chuyển (ACEI). |
AngiotnsinII làm co mạch mạnh, đồng thời làm tăng aldosteron gây tăng huyết áp. Nhóm ức chế men chuyển (ACEI=Angiotensin Converting Enzyme Inhibitor) không cho angiotensin I chuyển thành angiotensin II, giảm lượng angiotensin II trong máu, dẫn tới hạ huyết áp. Thoạt đầu ACEI ức chế giai đoạn angiotensin I chuyển thành angiotensin II, tức ức chế một giai đoạn hoạt động trong hệ renin - aldosteron-angiotensin- (RAA). Sau đó, khi angiotensin II bị hạ xuống thấp quá thì sẽ xuất hiện phản ứng ngược làm tăng hoạt động của thận, tăng aldosteron, tăng huyết áp, giữ nước và muối (trong đó có làm tăng kali máu). Hai tác động đến thận này của ACEI đều gây bất lợi cho thận, dẫn tới suy thận cấp. Để tránh tác hại này lúc khởi đầu cần dùng ACEI liều thấp rồi tăng dần liều lên từng nấc cho đến khi đạt yêu cầu (hạ huyết áp) và duy trì ở liều đó. Với cách dùng như vậy, ACEI không gây sự ức chế quá mức lên hệ RAA nên không gây tụt huyết áp đột ngột và không làm giảm angiotensin II xuống quá thấp nên cũng ít gây ra phản ứng ngược như nói trên. Mặt khác, ACEI khi dùng một mình thường gây tăng kali máu, do dó cần kết hợp với một thuốc lợi tiểu bài tiết kali thích hợp nhằm giữ mức thăng bằng kali máu ở ngưỡng an toàn.
Kháng sinh aminosid
Trong các nhóm kháng sinh, aminosid độc với thận hơn cả song mức độ tùy từng loại: Kanamycin gây trụ niệu và hạt trong các mẫu nước tiểu trong 16 giờ dùng đầu, nhưng không gây tổn thương thận vĩnh viễn. Trụ niệu sẽ hết khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, ở người suy thận, thời gian kanamycin lưu lại trong máu kéo dài. Nếu dùng kanamycin cho người vô niệu thì phải dùng cách 3-4 ngày một lần và giảm 50% liều dùng so với liều người bình thường. Tobramycin độc với thận, xảy ra ngay khi ở nồng độ thấp, vì vậy dùng một liều duy nhất tiêm tĩnh mạch hơn là chia ra các liều nhỏ. Với người suy thận, cần giảm liều và dùng liều theo hệ số thanh thải creatinin. Amikacin rất độc với thận, tránh dùng lặp lại hay dùng nối tiếp các thuốc độc cho thận. Phải theo dõi nồng độ amikacin máu trong thời kỳ dùng thuốc.
Aminosid có tác dụng với vi khuẩn ái khí Gram âm và một số vi khuẩn ái khí Gram dương như Acinetobacter, Citrobacter, Enterobacter Escherichia coli, Klebsiella, Proteus có sinh và không sinh indol, Providencia, Pseudomonas, Salmonella, Serratia, Shigella... nên được dùng trong nhiều bệnh nhiễm khuẩn, song tổng kết lâm sàng cho thấy có khoảng 10%-20% bị suy thận khi dùng nhóm kháng sinh này. Các aminosid hấp thu kém qua đường tiêu hóa, nhanh qua đường tiêm, phân bố rất rộng rãi trong cơ thể, thải trừ phần lớn qua thận khá nhanh chỉ trong vòng 24 giờ, nhưng với người chức năng thận suy giảm hay với trẻ em thì chu kỳ bán thải kéo dài. Ví dụ, chu kỳ bán thải với người bình thường chỉ 2 -3 giờ nhưng với người suy chức năng thận thì kéo dài 30-86 giờ, với trẻ nhỏ trên 7 ngày tuổi hay sinh đủ tháng là 4- 5 giờ, ở trẻ nhẹ cân 1-3 ngày tuổi là 7-8 giờ. Với người suy giảm chức năng thận cần phải giảm liều dùng so với người bình thường, khi nặng thì điều chỉnh liều theo hệ số thanh thải creatinin. Với trẻ em, nếu điều kiện cho phép thì nên chọn một kháng sinh khác ít độc với thận. Ví dụ: khi bị nhiễm các loại vi khuẩn có thể dùng aminosid hay betalactam cũng được, thì nên ưu tiên chọn betalactam ít độc với thận hơn.
Trên đây chỉ nêu vài nhóm điển hình, còn nhiều thuốc khác nữa. Chẳng hạn với người có nguy cơ về thận thì đôi khi chỉ dùng thuốc lợi tiểu không đúng cách cũng sẽ gây suy thận. Khi thầy thuốc cho biết thuốc đang dùng có bất lợi với thận thì vẫn có thể dùng vì yêu cầu chữa bệnh nhưng phải theo đúng hướng dẫn, nhằm tránh nguy cơ xấu xảy ra với thận.
Theo Sức khoẻ & Đời sống